Blockchain Việt Nam: Thị trường trong "vỏ hạt dẻ"

Thị trường Việt Nam đang dần xuất hiện nhiều hơn trong các thông tin nghiêm túc lẫn chuyện phiếm của các nhà đầu tư Blockchain trên thế giới.

Một ngày hè cuối tháng 7 ở Iceland, Herman Finnbjörnsson – CEO Svandis nhấc máy gọi cho Chris McLure- Giám đốc Marketing, nói: "Chris, chuẩn bị bay một chuyến nữa nào chàng trai".

Đây là chuyến bay thứ hai của Chris, sau Pháp, để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư cho dự án Blockchain Svandis. Còn đối với nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Herman, đây mới là chuyến đầu tiên.

"Mùa hè này, về cơ bản, châu Âu đã chết", Herman cảm khái, không rõ ông ám chỉ đợt sóng nhiệt đang hoành hành hay sự ảm đạm của thị trường Blockchain và các nhà đầu tư công nghệ ở châu lục này.

Herman, Nhà sáng lập dự án Svandis người Iceland (trái) trò chuyện với Giám đốc điều hành Tolar người Estonia tại sự kiện "Vietnam Blockchain Day", sự kiện do Bigcoin Việt Nam tổ chức .

Sáng lập startup với giải pháp Svandis Data Mining App - phần mềm thu thập dữ liệu về thị trường trên các trang mạng và tự động sao chép một bản về hệ thống, là bước tiếp theo trong sự nghiệp của Herman.

Ông mong muốn cung cấp công cụ nghiên cứu và phân tích tài chính cho các nhà phân tích, công ty thương mại độc quyền, quỹ đầu tư mạo hiểm và toàn thể cộng đồng qua ứng dụng của mình.

 Trước đó, kỹ sư máy tính này thành lập bốn công ty công nghệ. Trong đó, phải kể đến isx.is (công ty trao đổi tiền mã hóa đầu tiên và duy nhất tại Iceland) và một sàn giao dịch KYC (kết nối với tài khoản ngân hàng của người dùng).

Sàn giao dịch tiền mã hóa của Herman tại xứ băng đảo hoạt động tốt với ngân hàng địa phương được ba năm trước khi bị dừng.

"Không thể trông chờ gì nhiều ở thị trường chỉ có chưa đến 400.000 dân", Herman nói. Cùng với Chris, Herman "tỏa" đi tìm kiếm những thị trường Blockchain mới nổi, tiềm năng, nơi ông tin tưởng những nhà đầu tư vào các công ty công nghệ đang chờ đợi mình, sản phẩm cũng có đất sống.

Herman gọi hàng trăm cuộc điện thoại đến các đầu mối trung gian, dịch vụ cung cấp thông tin, công ty nghiên cứu thị trường, các đối tác nước ngoài... Kết quả trả về khiến vị giám đốc kinh ngạc: Việt Nam.

Andrey Nayman - doanh nhân lâu năm người Israel giờ cũng nhanh chóng gia nhập thị trường Blockchain, coi Việt Nam là một thị trường thú vị trên thế giới.

Những quan niệm cố hữu về các nền kinh tế mạnh sẽ dẫn đầu thị trường không còn đúng. Bằng chứng là Việt Nam đang khiến thế giới kinh ngạc khi liên tục xuất hiện trong các bảng đánh giá, xếp hạng, nghiên cứu về thị trường Blockchain tiềm năng, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư với lập trình viên, sản phẩm chất lượng.

Andrey Nayman, doanh nhân Israel

Andrey Nayman là nhà đầu tư, doanh nhân nhiều năm kinh nghiệm người Israel. Bằng việc rót vốn vào startup, mua bán và sáp nhập các công ty khởi nghiệp, Andrey "bỏ túi" hàng triệu USD trong những năm qua.

Khi thế giới phát cuồng với Blockchain, Andrey nghĩ mình cần phải làm gì đó để trở thành một phần của cuộc chơi. Cùng với 5 người bạn, ông sáng lập và điều hành Mikado – nền tảng quản lý tiền mã hóa, công cụ tài chính giúp tăng khả năng của các nhà đầu tư nắm giữ token.

Trong tiếng Nhật, Mikado "御門", từ "御" (mi, "danh dự") + "門" (kado, "cổng"), mang ý nghĩa tên gọi dành cho các vị hoàng đế, triều đại, đế chế trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Giải nghĩa về cái tên xuất xứ Nhật Bản trong khi vị doanh nhân đến từ Israel, Andey nhún vai: "Chúng tôi đơn giản là cần một cái tên dễ phát âm ở cả 4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore".

Doanh nhân Israel chẳng tỏ ra giấu diếm về sự thực dụng của mình, ông cũng tiết lộ luôn kế hoạch sau Việt Nam, nhóm của ông tiếp tục đi "chào hàng" ở các địa điểm trên.

Khi Blockchain bùng nổ trên toàn cầu, Israel là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Dòng tiền đổ về khởi nghiệp, Blockchain cùng sự ra đời của các startup phát triển công nghệ là không nhỏ.

Tuy vậy, doanh nhân kỳ cựu sớm nhận ra Israel, châu Âu hay châu Mỹ đều chưa phải là mảnh đất màu mỡ nhất cho công nghệ Blockchain hay tiền mã hóa.

"Tôi có thể sai. Nhưng các con số không biết nói dối. 70% giao dịch tiền mã hóa trên thế giới đến từ châu Á, tập trung chủ yếu ở các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Việt Nam là cái tên bắt đầu xuất hiện nhiều trong các thông tin cả nghiêm túc lẫn chuyện phiếm từ các nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp, ICO mảng Blockchain ở nhiều quốc gia", Andrey cho biết.

Andrey nhận định Việt Nam là thị trường thú vị. Những gì đang diễn ra ở đây đi ngược lại với chỉ số xếp hạng nền kinh tế. Trong mắt ông, ở Việt Nam, dường như ai cũng nói về Blockchain, Bitcoin; không ngại ngần đổ tiền vào đầu tư tiền mã hóa, ICO...

"Kiến thức được tự người dân chia sẻ trong giới, học hỏi lẫn nhau và tạo thành nhiều nhóm cộng đồng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đông đảo từ lập trình viên, nhà đầu tư, người mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu...Không ai muốn bị bỏ lại sau lưng khi công nghệ bùng nổ và những xu hướng mới ra đời", Andrey nói.

Gallet cho biết việc chính phủ Trung Quốc cấm ICO sẽ khiến các startup Blockchain nước này dịch chuyển hoạt động ra ngoài biên giới và Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất.

Clément Gallet là một thanh niên Pháp với nhiều hoài bão. Cách đây ba năm, Gallet rời "Paris chán phèo" để đến Trung Quốc. Khi Blockchain phát triển nở rộ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, cậu nhanh chóng bỏ công việc cũ để gia nhập ngành công nghiệp mới nổi đang khát nhân lực ở mọi vị trí.

Thành thạo tiếng Anh, Pháp, giao tiếp tiếng Trung cơ bản, Gallet dễ dàng xin được việc ở vị trí Marketing với mức lương cao cho các công ty startup Trung Quốc- nơi nhiều đồng nghiệp thậm chí còn không nói được một chữ tiếng Anh mà nhu cầu thuyết trình dự án ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Hiện Gallet làm việc cho dự án InterValue – nền tảng Blockchain thế hệ mới, cải thiện khả năng lưu trữ, lượng giao dịch và khả năng bảo mật, hỗ trợ xây dựng và phát triển các ứng dụng phi tập trung,

"Khi rời Paris, tôi đã phân vân giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi chọn Trung Quốc nhưng ai mà ngờ vì Blockchain, tôi lại được cử đến Việt Nam", Gallet cười.

Gallet cho biết chính phủ Trung Quốc hiện không cấm công nghệ Blockchain nhưng lại chặn đứng các hoạt động ICO, giao dịch tiền mã hóa. Điều này khiến các công ty Blockchain như của cậu buộc phải tìm kiếm các thị trường khác để phát triển và dịch chuyển hoạt động khá nhiều ra ngoài biên giới.

Singapore, Hong Kong, Việt Nam...luôn nằm trong nhóm thị trường tiềm năng dành cho các startup Blockchain đến từ Trung Quốc. Tương lai, viễn cảnh những người trẻ như Gallet "đến Trung Quốc làm Blockchain và qua Việt Nam gọi vốn" sẽ còn xảy ra thường xuyên.

Trong dòng chảy mới của giá trị và tiền tệ, có vẻ Blockchain không tuân theo quy luật cứng nhắc của nền kinh tế truyền thống. Các thị trường Blockchain mới nổi như Việt Nam đang tự mình phôi thai, quẫy đạp và hình thành chẳng cần biết đến quốc gia này đang ở đâu trên bản đồ xếp hạng các nền kinh tế toàn cầu.

Trên sân khấu thuyết trình về các dự án Blockchain chuẩn bị ICO trong sự kiện "Vietnam Blockchain Day: Giải mã thời đại công nghệ Blockchain 4.0" do công ty Bigcoin Việt Nam tổ chức cuối tháng Bảy, 4/8 dự án đến từ Trung Quốc.

Các dự án này là InterValue, Jura, Bkex, New Bloc, chiếm 50% số công ty có nhu cầu gọi vốn, tìm đối tác tại thị trường Việt Nam. Theo sau sự thành công của Huobi Pro, Binance - những sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản số đến từ Trung Quốc hiện nhanh chân mở văn phòng tại Việt Nam, Bkex chia sẻ mong muốn đạt được điều tương tự.

"Hai trong số 5 sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản số lớn nhất thế giới đã đặt văn phòng ở Việt Nam và ráo riết tuyển dụng các nhân viên chăm sóc khách hàng người Việt để hỗ trợ nhà đầu tư, người giao dịch Việt Nam. Và chúng tôi cũng đang đổ về đây", bà Miko Du, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc thị trường nước ngoài của Bkex cho biết.

Vietnam Blockchain Day

Trong tiếng Anh, cụm từ "in the nutshell" (trong vỏ hạt dẻ) được sử dụng khi người nói muốn tóm tắt vấn đề ngắn gọn hết sức có thể. Tiềm năng của thị trường Blockchain Việt Nam "trong vỏ hạt dẻ", chắc có thể được khắc họa bằng hình ảnh trên sân khấu "Vietnam Blockchain Day" do Bigcoin Việt Nam tổ chức cuối tháng 7/2018.

Herman từ Iceland, Andrey từ Israel, Miko Du, Donglin Wu, Vickers Zhou, Gallet từ Trung Quốc...gặp nhau tại một điểm ở Hà Nội với cùng mục tiêu tìm hiểu thị trường, kết nối đối tác cho startup chuẩn bị ICO của mình.

Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 30 startup Blockchain theo nghiên cứu của Infinity Blockchain Labs. Đến hết quý II/2018, số doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain đạt 364, tăng gấp 10 lần, theo số liệu của Viện nghiên cứu Blockchain và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số nhà đầu tư tiền mã hóa, ICO theo một thống kê không chính thức là khoảng 10.000 người.

Theo bà Wuxing, Giám đốc cấp cao của sàn giao dịch Houbi Pro, số lượng giao dịch tiền mã hóa tại Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á và luôn nằm trong top 5 thế giới. Điều này khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các đơn vị hoạt động ở mảng xây dựng nền tảng trao đổi tiền mã hóa, tài sản số cũng như các ICO cần nhà đầu tư.

Vấn đề cuối cùng chỉ còn là tự bản thân các thị trường như của Việt Nam có đủ tự tin, nhanh nhạy, đứng lên tự giành lấy một vị trí trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hay không.

Phương Nguyên

    Bình luận
    Ý kiến của bạn