Năm nay, dù bất an nhưng người ta vẫn đặt niềm tin vào lứa cầu thủ măng non được báo chí hết lời ca tụng khi có màn trình diễn chói sáng ở giải quốc nội. Tuy nhiên, xem ra chính Premier League đã làm hại các cầu thủ đến từ xứ sở xương mù. Nhìn vào đội hình chính trong trận Anh – Xứ Wales mới thấy 100% các cầu thủ đều đang chơi bóng ở Premier League. Thậm chí những người được thay vào sân ở hiệp hai như: Vardy, Dani Sturridge, Rashford cũng đang chơi bóng ở quốc nội.
Nói như vậy để thấy rằng, Premier League quả thực là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Các lứa cầu thủ trẻ ở Anh được đào tạo và bị tiêm nhiễm trong ý thức việc “bằng mọi giá phải chơi ở giải đấu này”. Và khi ra lò họ chỉ cần khua chân múa tay, ghi một vài bàn thắng quan trọng sẽ được báo chí xứ Anh tung hô như một hiện tượng. Họ được các CLB lớn trong nước săn đón với mức lương khủng, được gọi vào đội tuyển quốc gia mà chưa từng kinh qua bất kì một giải đấu nào ở ngoại quốc.
Thế nên, bao năm qua khoảng cách giữa cường quốc bóng đá được mệnh danh là “sư tử” dần bị thu hẹp với các đội bóng khác vì các cầu thủ chỉ như “ếch ngồi đáy giếng” không có điều kiện hoặc tự đắc không cần tiếp thu những tinh hoa của nền bóng đá khác. Trong khi đó, bóng đá Tây Ban Nha, Pháp, Đức lớn mạnh thấy rõ khi đa số những cầu thủ trong tuyển quốc gia là tập hợp tinh hoa của những nền bóng đá phát triển hàng đầu trên thế giới.
Trận hòa với Nga với lượt trận đầu tiên, cùng chiến thắng đầy may mắn với Xứ Wales vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho sự phập phù, kém kinh nghiệm, chất thép của đội tuyển Anh.
Thế mới nói, các cầu thủ Anh chẳng khác nào đứa con được dung dưỡng trong nhung lụa ngay từ mới lọt lòng nên thiếu đi kinh nghiệm sống, thiếu đi bản lĩnh cần thiết khi đối mặt khó khăn. Rồi đây, nếu không thay đổi “chàng công tử bột Anh” sẽ tiếp tục khiến người hâm mộ phải thấp thỏm, buồn lòng ở các giải đấu tầm châu lục.
Nhìn lại mình thôi, đội bóng tôi yêu.
Nguyễn Tiến