Quyết định số 71 do Chính phủ ban hành về thí điểm đầu tư theo hình thức “Đối tác công tư” đang từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác PPP ở Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá đây là cơ hội để các tỉnh thành phát triển kinh tế trong điều kiện ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, do chưa có luật cụ thể về mô hình này, không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước còn ngập ngừng chưa mạnh dạn tham gia.
Ngày 11/1, tại CEO World Forum 2013, nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp đã thảo luận, đóng góp ý kiến về việc hoàn thiện mô hình thí điểm PPP để tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lớn tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM cho rằng Chính phủ cần sớm xây dựng luật về hợp tác công tư (PPP). Đây sẽ là bộ quy tắc ứng xử để nhà nước và khối tư nhân có cơ sở bắt tay nhau thực hiện mô hình này. Theo ông Lịch, hiện nay nhiều tỉnh thành có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng nguồn lực chưa đủ, ngân sách còn hạn chế nên chưa thể phát huy thế mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam rất cần các dự án PPP.
Tại diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp, khối tư nhân đóng góp nhiều ý kiến cho mô hình thí điểm hợp tác công tư PPP tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê |
Nhà sáng lập - Đối tác điều hành Quỹ đầu tư Traninvest, Trần Sĩ Chương phân tích, bản chất của PPP là không tưởng vì sự hợp tác này thiếu sự tương đồng quyền lực và quyền hạn. Một bên là quyền lực tuyệt đối (Nhà nước) trong khi một bên là quyền lực tương đối (khối tư nhân). Vì vậy, nhà đầu tư lo ngại không đảm bảo được quyền bình đẳng trong quá trình hợp tác công tư là tâm lý bình thường.
Ông Chương đề xuất, cần có chế độ chế tài đa chiều. Nếu triển khai các dự án PPP, nhà đầu tư chậm hoặc làm không đúng cam kết có thể bị chế tài thì nhà nước cũng vậy. Chuyên gia này nhấn mạnh, PPP cần công khai minh bạch thông tin và cơ chế, cam kết bền vững cho quyền lợi của nhà đầu tư.
Trong khi đó, Giám đốc NVD Architects & Planmers, Ngô Viết Nam Sơn nhận định, mô hình PPP nên được vận hành ở cơ chế mở hơn là đóng. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, mở cửa cho tư nhân tham gia vào nhưng Nhà nước đừng can thiệp quá sâu. Ví dụ: quy hoạch nhà nước chỉ làm tổng thể, còn lại hãy để doanh nghiệp tham gia thực hiện để guồng máy vận hành nhanh gọn hơn.
Là kiều bào Nhật, có 30 năm làm công tác xúc tiến đầu tư Nhật vào Việt Nam, Giám đốc Công ty NICD, Nguyễn Trí Dũng nhận xét, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư là cho họ một môi trường kinh doanh tốt, hiệu suất đầu tư cao, chính sách được cam kết lâu dài.
TP HCM có rất nhiều dự án hạ tầng cần đến sự góp sức của khối doanh nghiệp tư nhân theo mô hình PPP. Ảnh: Vũ Lê |
Theo ông Dũng, chính sách đóng vai trò chủ chốt, càng minh bạch, rõ ràng càng thuyết phục doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư. Bên cạnh mô hình PPP, các tỉnh thành cần ngồi lại với nhau để liên kết vùng. Các doanh nghiệp cần tự tổ chức lấy, cùng chủ động bắt tay nhau để giải quyết bài toán liên kết vùng, đừng chờ đợi luật hay Chính phủ hành động. "Bí quyết để kêu gọi đầu tư dưới mọi hình thức, trong đó có PPP là củng cố lòng tin và sẵn sàng đối thoại", ông Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Phó chủ tịch Viện quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành nhận định, hạn chế của Việt Nam là thiếu quỹ để phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện các đô thị lớn, đặc biệt là siêu đô thị có nhu cầu lớn về phát triển đường bộ, cầu, hầm, bến phà, hệ thống thu gom xử lý chất thải, nhà máy điện, nước... nhưng vốn chỉ được một nửa. Vấn đề là huy động vốn bằng cách thức nào cho phù hợp với hoàn cảnh. Vì thế mới phải vận dụng mô hình hợp tác công tư.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng nguyên tắc thực hiện các dự án PPP là nhà nước phải chia sẻ rủi ro, đánh giá chi phí dự án trong bối cảnh tổng thể, luôn tối ưu hóa nguồn lực. "Mấu chốt vấn đề là pháp lý phải minh bạch, nếu không PPP cũng có thể là miếng mồi ngon cho tham nhũng", ông nói.
Theo ông Thành, hiện nay mô hình đầu tư hợp tác công tư đã có hình hài nhất định. Những năm 1990 cũng có nhiều dự án theo mô hình này. Ông đánh giá PPP rất quan trọng đối với quá trình xây dựng phát triển đô thị tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù thừa nhận mô hình hợp tác công tư cần thiết cho các thành phố tiến lên siêu đô thị, song ông Thành phản đối tâm lý cho rằng PPP sẽ giải quyết được tất cả nhu cầu phát triển của đô thị. "PPP không phải là chiếc đũa thần, nếu thực hiện không đúng nó vẫn có thể mang lại rủi ro", ông Thành khuyến cáo.
Vũ Lê