Giám đốc điều hành Porsche, Klaus Rechberger cho biết sự cố này được ghi nhận trên khoảng 130 xe, chưa xảy ra vụ tai nạn nào. Cục An toàn giao thông Mỹ đã mở cuộc điều tra về các báo cáo mất điện vào ngày 17/5, sau khi nhận được 9 đơn khiếu nại từ các chủ xe cáo buộc xe mất điện khi đang di chuyển ở bất kỳ tốc độ nào mà không có cảnh báo. Các mẫu Taycan gặp sự cố sản xuất 2020 và 2021. Trong số 9 trường hợp, có 6 người khởi động được lại xe.
Hãng xe Đức cho biết việc triệu hồi ảnh hưởng đến tất cả các xe Taycan được sản xuất và giao hàng tính đến hết tháng 6/2021, đồng thời cho biết thêm rằng những chiếc xe này sẽ nhận được bản cập nhật phần mềm để khắc phục sự cố.
Xe được trang bị gói pin lithium-ion 800 V, ngoài ra Taycan còn có một pin phụ 12 V. Cơ quan điều tra cho biết việc mất điện trong pin 12 V có thể làm tắt toàn bộ hệ thống điện và ngăn xe hoạt động.
Porsche cho biết sẽ không thể cập nhật phần mềm qua mạng trong trường hợp này, chủ sở hữu Taycan sẽ phải đến một trung tâm của hãng để tiến hành khắc phục sự cố trong khoảng một giờ.
Cơ quan này cũng đã gửi một thông báo vào 11/6 cho công ty mẹ của Porsche là Volkswagen, yêu cầu hãng cung cấp thông tin về Audi E-Tron GT và RS E-Tron GT để thu thập mẫu phân tích so sánh về các xe sử dụng hệ truyền động tương tự của Taycan.
Porsche không phải là hãng đầu tiên phải vật lộn với phần mềm trên xe điện. Polestar (của Volvo) cũng phải đối mặt với một sự cố phần mềm khiến xe điện của hãng bị chết máy. Trong khi đó, Tesla gần đây đã triệu hồi 285.000 xe ở Trung Quốc vì vấn đề kiểm soát hành trình mà hãng cho biết có thể khắc phục bằng bản cập nhật phần mềm qua mạng.
Ánh Dương (theo Carscoops, Reuters)