Pompeii là một tàn tích nổi tiếng và bị chôn vùi một phần gần Napoli, Italy. Cùng với Herculaneum - thành phố chị em của nó - Pompeii đã bị phá hủy trong trận núi lửa phun trào vào năm 79 khiến 16.000 người chôn vùi vĩnh viễn. Với thảm họa được ví như "khúc dạo đầu của ngày tận thế", Pompeii được mệnh danh là "thành phố của những cuộc chia tay rất dài" nhằm nói lên sự chết chóc kinh hoàng mà nó đã phải trải qua.
Theo sử sách, 10 bộ lạc lớn cùng nhau xây dựng lên thành Pompeii. Một thời gian sau đó, nơi đây trở thành điểm đến của những người giàu. Tầng lớp quý tộc, thương gia tụ tập tới đây để tìm lạc thú và hưởng thụ.
Thời bấy giờ, Vesuvius là ngọn núi lửa đang hoạt động. Sau đó, nhà địa lý học nổi tiếng Strabo căn cứ vào đặc trưng mẫu đất Vesuvius khẳng định ngọn núi đã ngừng hoạt động. Người dân Pompeii hoàn toàn tin vào lời nói này nên đã yên tâm sinh sống dưới chân ngọn núi. Người ta trồng những cánh đồng màu xanh bát ngát hai bên sườn núi, trên bình nguyên đi đâu cũng thấy rừng chanh, quất, nho... Tất cả đều vội vã với cuộc sống đầy đủ, hăng say lao động và đâu ngờ rằng ngọn núi đã chết kia vẫn đang âm thầm gây ra một thảm họa mà nhiều năm sau, người đời vẫn còn thảng thốt mỗi khi nhắc về.
Vào năm 62, một trận động đất lớn đã diễn ra ở Pompeii khiến các tòa nhà lớn bị đổ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên với hiểu biết còn hạn chế của người dân lúc bấy giờ, họ không biết rằng đây chính là dấu hiệu của những biến động kinh hoàng trong tương lai. 17 năm sau, vào năm 79, núi lửa Vesuviues phun trào và Pompeii phải hứng chịu sự hủy diệt nhanh chóng và khủng khiếp nhất.
Do bị chôn vùi dưới lòng đất trong điều kiện thiếu không khí và độ ẩm, các di vật dường như vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Những dòng dung nham núi lửa đã vô tình bảo quản hoàn hảo tất cả dấu ấn của con người và các công trình cổ xưa. Ngày nay, thành phố từng bị chôn vùi này đã được con người khai quật 2/3 diện tích và trở thành một địa điểm du lịch độc đáo. Năm 2008, nơi đây thu hút 2,5 triệu du khách.
Bước chân vào khu vực thành phố cổ Pompeii, nhiều du khách đã bất ngờ trước hàng loạt cổng chào, đền thờ, đại giáo đường... mang đậm phong cách kiến trúc La Mã cổ đại. Ấn tượng nhất là những bức tranh còn gần như nguyên vẹn, thể hiện đời sống luyến ái trên các vách tường.
Dạo chân trên những con đường đá cổ, nhiều du khách đã bất ngờ khi thấy dọc hai bên chính là những cửa hiệu như thời hiện đại, khu chợ mua bán thực phẩm, lò sản xuất bánh mì, địa điểm cho những đôi lứa yêu nhau. Bạn cũng có thể được chiêm ngưỡng những sàn nhà được khảm hay những bức bích họa in trên phòng khách và tưởng tượng về một thời xa xưa, tại ngôi nhà này đã tràn đầy những âm thanh sôi động của một bữa tiệc tối. Nhiều người đã nói rằng họ khó có thể ngờ được cách đây hơn 2.000 năm con người đã đạt tới cuộc sống sung túc và văn minh đến vậy.
Đây là đô thị cổ duy nhất nơi toàn bộ cấu trúc địa hình được bảo tồn đúng như nó từng có, mà không có sự thay đổi hay thêm thắt. Nó không được phân bố trên một mô hình thông thường như chúng ta thường thấy tại các thị trấn La Mã, vì những khó khăn địa hình. Nhưng những con phố của nó thẳng và được thiết kế theo hình bàn cờ đúng như truyền thống La Mã.
Thời tiết, xói mòn, ánh sáng, nước, các biện pháp khai quật không thích hợp và xây dựng lại, các loài cây, thú vật, du lịch, phá hoại và trộm cắp đều làm hư hại địa điểm theo một cách nào đó. Hai phần ba thành phố đã được khai quật, nhưng những tàn tích của thành phố đang nhanh chóng xuống cấp. Lo ngại về vấn đề bảo tồn luôn làm các nhà khảo cổ quan tâm. Chính quyền địa phương và liên minh châu Âu đang rót tiền vào việc trùng tu lại thành phố, tuy nhiên con số thực tế để bảo tồn nguyên vẹn thành phố được ước tính là khá lớn, lên đến hàng trăm triệu USD.
Anh Minh