Ngày 4/10, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Thăm dò chức năng và nội soi, Bệnh viện K Trung ương, cho biết bệnh nhân đến khám khi mệt mỏi, sút cân, đại tiện ra máu.
Người bệnh cho biết cách đây một năm, chị đi khám sức khỏe định kỳ, nội soi phát hiện khối polyp trực tràng tương đối to, bác sĩ kết luận lành tính, song nguy cơ ung thư hóa rất cao. Bác sĩ tư vấn phẫu thuật loại bỏ khối u, song bệnh nhân từ chối, về nhà tự sử dụng thuốc nam. Gần đây, chị thấy mệt mỏi, đại tiện ra máu thì phát hiện polyp đã lớn, ung thư hóa.
Polyp đại trực tràng là một dạng tổn thương có hình dáng giống với khối u trong lòng đại trực tràng, do niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Bác sĩ Cảnh nhận định polyp đại trực tràng phổ biến ở nhiều người, tỷ lệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi, di truyền, chế độ ăn uống và lối sống. Theo các nghiên cứu, khoảng 25-40% người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên khả năng có polyp.
Nếu không được cắt bỏ, một số polyp tiến triển theo các hướng, như tăng kích thước, gây rối loạn tiêu hóa và chảy máu; một số polyp khả năng trở thành ác tính (ung thư hóa) theo thời gian. Khi đó, chúng lan rộng vào các lớp mô xung quanh đại trực tràng và lây lan sang các phần khác của cơ thể, gây ung thư di căn.
Tỷ lệ biến đổi ác tính tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại, kích thước, số lượng, tính ác tính của các tế bào... Theo ước tính, khoảng 5-10% polyp đại trực tràng được phát hiện là ác tính hoặc có khả năng trở thành ung thư.
Ngoài loại polyp, các yếu tố nguy cơ cao khác có thể tăng khả năng biến đổi ác tính, bao gồm nhiều polyp, polyp lớn hơn 1 cm, tế bào ác tính xuất hiện trong polyp, người thân mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
Ở bệnh nhân này, may mắn phát hiện giai đoạn sớm, nên bác sĩ điều trị bằng phẫu thuật nội soi, hiện đã ổn định.
Ung thư đại trực tràng đứng thứ ba về tỷ lệ mắc, nhưng đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong. Polyp đại trực tràng được xếp vào nhóm tổn thương tiền ung thư. Bác sĩ cho biết việc phát hiện và loại bỏ polyp là quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.
Việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc đại trực tràng, như xét nghiệm máu trong phân (FIT) hoặc nội soi có thể giúp phát hiện và loại bỏ polyp đúng thời điểm.
Thúy Quỳnh