Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 12/3/2019, 17:52 (GMT+7)

Phương tiện chen chúc trên tuyến đường Hà Nội dự kiến cấm xe máy

Đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc, các phương tiện nối đuôi nhau kéo dài cả km tại nút giao có đèn tín hiệu.

Trao đổi với báo chí chiều 11/3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng. 

"Ví dụ chúng tôi đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động", ông Viện nói.

Tuyến đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm buổi sáng từ 7h đến 8h30, thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc, phương tiện nối đuôi nhau kéo dài cả km tại các nút giao có đèn tín hiệu.

Các công trình thi công nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thiện, mở rào chắn nhưng tình trạng ùn tắc vẫn là chuyện thường ngày. Buổi sáng dòng xe cộ nhích từng cm theo hướng từ Hà Đông về Trung tâm, cuối giờ chiều thì tắc nghẽn theo cả hai hướng. 

Trên đường Nguyễn Trãi hiện mỗi bên có từ 4 đến 6 làn xe chạy nhưng chưa được kẻ sơn phân làn, khi mật độ phương tiện lớn, xe máy và ôtô chạy xen kẽ gây rối loạn.

Tuyến đường Lê Văn Lương là một trong những trục giao thông dự kiến cấm xe máy. Trục đường này mỗi bên có ba làn xe chạy, gần đây khi tuyến xe buýt nhanh (BRT) đi vào hoạt động thì một làn đường được thiết kế để ưu tiên loại phương tiện này. Theo quan sát, tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường này vẫn xảy ra thường xuyên.

Trước thông tin thành phố nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, chị Nguyễn Thị Tuyến ở Hà Đông (làm việc ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) cho rằng, "nếu cấm xe máy thì trên quãng đường đi làm dài khoảng 10 km, tôi phải bắt tới ba tuyến buýt mới có thể tới cơ quan, việc này sẽ rất bất tiện".

Thời điểm đầu giờ sáng và cuối buổi chiều, ùn tắc nghiêm trọng diễn ra trên đường Lê Văn Lương với cảnh xe máy, ôtô lấn làn xe buýt nhanh.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội, việc thí điểm cấm xe máy sẽ không tiến hành nóng vội mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.

Tài xế xe buýt nhanh Nguyễn Tiến Hưng cho biết dù đường đông hay khi thông thoáng, làn dành riêng cho xe buýt nhanh luôn bị dòng xe máy lấn vào nên tốc độ trung bình của BRT rất khó đạt 30 km/h.

Theo thống kê của TP Hà Nội, sau hơn hai năm đưa vào sử dụng, hệ thống xe buýt nhanh có tỷ lệ vận chuyển hành khách từ 43% nâng lên 52%. Vào khung giờ cao điểm, phần lớn các chuyến không còn chỗ trống.

Phương Sơn