"Chúng tôi đang ở chế độ răn đe. Dù trong trường hợp nào, chúng tôi cũng sẽ gửi tín hiệu rõ ràng rằng mọi hành động gây hấn của Nga với Ukraine đều khiến họ phải trả giá đắt. Chúng tôi đang cùng Mỹ và Anh thảo luận các biện pháp trừng phạt có thể là gì, áp đặt khi nào và ra sao, theo cách đồng bộ", Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nói trong cuộc họp ngoại trưởng EU hôm nay.
Các nhà ngoại giao EU cho biết cuộc thảo luận tập trung vào những biện pháp trừng phạt có thể áp đặt với Nga, từ lệnh cấm đi lại, đóng băng tài sản với quan chức cấp cao Nga tới lệnh cấm liên kết tài chính, ngân hàng với nước này.
Các biện pháp khác cũng được xem xét như cấm đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 giữa Nga - Đức, nhắm vào công ty quốc phòng, năng lượng nhà nước Nga hay hủy các hợp đồng khí đốt tự nhiên với nước này.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU nhấn mạnh các biện pháp trên chỉ được xem xét trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Borrell cũng khẳng định cuộc họp hôm nay chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
EU cùng Mỹ năm 2014 áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, nhắm vào các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần cảnh báo Nga rằng liên minh quân sự phương Tây đang sát cánh với Ukraine trong bối cảnh Moskva bị cáo buộc tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công Ukraine.
Nga khẳng định không có ý định tấn công Ukraine và cáo buộc Kiev triển khai một nửa quân đội để đối đầu với phe ly khai thân Nga ở miền đông nước này. Moskva nhấn mạnh mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Quan hệ Nga - Ukraine xấu đi từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbass. Quân đội Ukraine giao tranh với lực lượng ly khai ở hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk từ năm 2014, khiến hơn 13.000 người ở cả hai phía thiệt mạng.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)