Nhà Trắng tuần trước thông báo Lầu Năm Góc đang tìm cách cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, sau một tuyên bố của không quân Mỹ rằng họ đang xem xét huấn luyện phi công Ukraine để bảo vệ không phận bằng tiêm kích phương Tây. Các đồng minh của NATO cũng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các loại chiến đấu cơ được sản xuất thời Liên Xô.
"Trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine được cung cấp tên lửa phòng không vác vai, vốn được coi là lựa chọn an toàn với phương Tây", Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky nói. "Nhưng giờ đây chúng ta đang nói về xe tăng, thiết giáp và chiến đấu cơ, khi hầu như tất cả rào cản đã được phá bỏ".
Giới phân tích cho rằng sức kháng cự kiên cường của Ukraine trong những tháng qua đã góp phần thay đổi lập trường của phương Tây về chủng loại vũ khí cung cấp cho nước này.
Trước khi Nga phát động chiến dịch hồi cuối tháng 2, quân đội Ukraine sử dụng chủ yếu các vũ khí và thiết bị quân sự do Liên Xô sản xuất. Sau đó, Mỹ và đồng minh bắt đầu cung cấp các loại vũ khí NATO cho Kiev, ban đầu là những khí tài cá nhân, nổi bật là tên lửa chống tăng Javellin và vũ khí phòng không vác vai Stinger.
Khi chiến sự kéo dài, phương Tây liên tục nâng cao tiêu chuẩn về khả năng sát thương của các loại vũ khí để đáp ứng nhu cầu của lực lượng Ukraine trên chiến trường.
Slovakia, một thành viên NATO, tháng này cho biết đang xem xét cung cấp 11 tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất. Trong quá trình đó, Cộng hòa Czech và Ba Lan cam kết hỗ trợ Slovakia bảo vệ không phận, sẵn sàng sử dụng chiến đấu cơ của họ để đối phó bất kỳ sự cố nào.
Nếu Mỹ và đồng minh chuyển giao cho Ukraine các loại tiêm kích chuẩn NATO như F-15 hay F-16, đây sẽ là một bước tiến lớn, giúp Ukraine không còn phải phụ thuộc vào các hệ thống do Nga sản xuất như trên tiêm kích MiG-29.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ hệ thống phòng không, không quân cho Ukraine. Trong dự luật ủy quyền quốc phòng của Hạ viện, nghị sĩ Adam Kinzinger đã thêm một điều khoản sửa đổi nhằm phân bổ 100 triệu USD cho huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay Mỹ.
Tại Thượng viện, các nhà lập pháp ở cả hai đảng tháng này kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, xem xét cung cấp thêm máy bay chiến đấu tiên tiến và các khóa huấn luyện bay cho Ukraine.
"Nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ, những phi công giỏi nhất của Ukraine có thể sẽ thiệt mạng trên chiến trường", thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói.
Các thành viên quốc hội Mỹ nói rằng quá trình huấn luyện chuyển loại sang tiêm kích do Mỹ sản xuất, dù với những phi công Ukraine giàu kinh nghiệm nhất, cũng sẽ mất nhiều tháng, đặc biệt là trong thời chiến. Họ cũng cảnh báo rằng nỗ lực cung cấp phụ tùng thay thế cho máy bay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo họ, bước trung gian trong quá trình này là cung cấp thêm cho Ukraine các dòng tiêm kích kiểu Liên Xô mà phi công nước này vốn quen dùng. Sau thời gian đó, khi các phi công đã được huấn luyện đầy đủ, tiêm kích F-15 và F-16 do Mỹ sản xuất sẽ là lựa chọn tốt nhất cho không quân Ukraine.
Các chiến đấu cơ hiện đại hơn có thể giúp Ukraine tập kích sâu vào phía sau phòng tuyến Nga và yểm trợ hỏa lực trên không cho bộ binh, đặc biệt là ở vùng đồng bằng rộng lớn ở phía nam Kherson và Zaporizhzhia mà Kiev tuyên bố sẽ mở chiến dịch phản công để giành lại. Họ cũng có thể sử dụng những tiêm kích này để bảo vệ các cơ sở hạ tầng, thậm chí bắn hạ tên lửa hành trình tầm xa của Nga.
Nghị sĩ Mỹ Mike Quigley, người gần đây gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev, nói rằng các vũ khí được Ukraine quan tâm nhất hiện nay là hệ thống tên lửa tầm xa hơn, vì Kiev đang chuẩn bị cho đợt phản công ở miền nam.
Tuy nhiên, ông Quigley, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một lần nữa nhận được nhiều quan tâm.
Hồi tháng 3, sau khi Ba Lan đề xuất chuyển MiG-29 cho Ukraine thông qua căn cứ không quân Mỹ ở Đức, Lầu Năm Góc đã từ chối đề nghị, khi lo ngại rằng nó có nguy cơ khiến tình hình leo thang. Cơ quan tình báo Mỹ khi đó đánh giá việc chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine có thể bị Moskva phản ứng dữ dội, dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp với NATO.
Đánh giá tình báo khi đó chỉ áp dụng với những chiếc MiG-29 của Ba Lan. Các cơ quan tình báo Mỹ từ chối cho biết liệu họ có cập nhật những đánh giá này hay không.
Cedric Leighton, một đại tá không quân về hưu kiêm chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chiến lược Cedric Leighton Associates, nói rằng mối lo ngại lớn nhất của phương Tây trong những ngày đầu sau khi xung đột nổ ra là Nga sẽ giành chiến thắng nhanh chóng trước Ukraine. Do đó, họ nghĩ "tại sao chúng ta lại ném những chiếc máy bay tốt nhất vào chiến trường để chúng có nguy cơ bị phá hủy".
Nhưng kịch bản này giờ ít có khả năng xảy ra hơn.
"Mọi người từng nghĩ đó sẽ là thảm họa, nhưng giờ họ lại nghiêm túc thực hiện nó. Điều đó thật ấn tượng", Leighton nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)