Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, những khẩu súng chống tăng NLAW của Anh được cho là vũ khí then chốt giúp quân đội Ukraine chặn đà tiến của lực lượng Nga ở ngoại ô Kiev. Đến giai đoạn hai, những khẩu pháo 152 mm lại giúp Nga chiếm ưu thế. Chúng liên tục bắn phá, hủy diệt các cứ điểm mà lực lượng Ukraine đóng quân, dọn đường cho bộ binh tiến công.
Nhưng giờ đây, mọi sự chú ý đều xoay quanh tác động của những khẩu pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã sử dụng để ngăn đà tiến của Nga. Nhờ có HIMARS, quân đội Ukraine có thể tập kích những cơ sở hạ tầng chiến lược nằm sâu trong khu vực Nga kiểm soát, như các kho đạn, vũ khí hạng nặng. Thiếu đạn, những khẩu pháo 152 mm của Nga không thể khai hỏa với mật độ như trước.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những tổ hợp HIMARS này có đủ sức tạo bàn đạp cho quân đội Ukraine triển khai một chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại vùng chiến lược Kherson ở phía nam đất nước hay không.
Quân đội Nga kiểm soát Kherson từ đầu tháng ba và Ukraine từ đó đến nay vẫn luôn đặt mục tiêu giành lại khu vực này. Nhờ hỏa lực chính xác cùng tầm bắn 80 km của HIMARS, quân đội Ukraine đang ngày càng tự tin vào một chiến thắng trong chiến dịch phản công.
Sergiy Khlan, trợ lý lãnh đạo vùng Kherson của chính quyền Ukraine, tuần trước tuyên bố quân đội nước này đã đạt được một bước ngoặt ở khu vực và Kherson "chắc chắn sẽ được giải phóng vào tháng 9". Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra thận trọng hơn, đặt mục tiêu giải phóng Kherson "từng bước".
Ukraine đang sở hữu 12 tổ hợp pháo phản lực HIMARS và 4 chiếc nữa đang trên đường tới. Chúng đã đóng góp đáng kể vào chiến dịch của Ukraine tấn công 4 cây cầu quan trọng dẫn vào vùng Kherson. Thành phố Kherson, thành trì duy nhất của Nga ở phía tây sông Dnipro, rõ ràng rất dễ bị tổn thương về mặt chiến lược nếu Ukraine có thể tập trung lực lượng tại đây.
Nhưng vấn đề liên quan đến những cây cầu phần nào cho thấy một số khó khăn mà Ukraine phải đối mặt trong nỗ lực giành lại Kherson. Trong các bài đăng trên mạng xã hội, ông Khlan nói rõ rằng mục tiêu của Ukraine không phải là phá hủy các cây cầu quan trọng, trong trường hợp này là cầu Dariv bắc qua sông Inhulets ở phía đông thành phố. Thay vào đó, họ chỉ muốn phá hủy chúng đến mức người Nga không thể vận chuyển thiết bị hạng nặng qua đó.
Quân đội Ukraine muốn đảm bảo rằng nguồn cung lương thực vẫn có thể vào được thành phố, nên họ sẽ "làm mọi việc trong khả năng" để không phá hủy hoàn toàn những cây cầu huyết mạch, Khlan cho biết thêm.
Yêu cầu này đặt ra một thách thức không nhỏ, ngay cả với khả năng tấn công với độ chính xác cao của HIMARS. Nhưng quan trọng hơn, nó thể hiện một thách thức lớn với chiến dịch phản công của Ukraine, giới quan sát đánh giá.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, giới chức Nga đã thừa nhận một cây cầu quan trọng gần nhà máy thủy điện Kakhovka, bắc qua sông Dnipro, cách thành phố Kherson khoảng 40 km về phía đông đã bị tập kích bằng pháo HIMARS. Tuy nhiên, hãng thông tấn này ngay sau đó công bố những bức ảnh cho thấy các công nhân đang khắc phục lỗ thủng trên mặt cầu do đạn pháo gây ra.
Nếu việc chia cắt thành phố bằng cách phá hủy các cây cầu là một thách thức, thì mở đợt tấn công để kiểm soát nó, với tất cả dân thường bên trong, càng là nhiệm vụ khó khăn hơn với quân đội Ukraine.
Trong quá trình tấn công các thành phố như Mariupol và Severodonetsk, Nga đã phải huy động lực lượng lớn để bao vây, đồng thời sử dụng hỏa lực pháo binh hạng nặng để phá hủy gần như mọi công trình phòng thủ bên trong. Nhưng với Ukraine, đó rõ ràng không phải là phương án khôn ngoan.
Kế hoạch tái chiếm Kherson của Ukraine đang thổi bùng tranh cãi giữa các quan chức phương Tây và một số nhà phân tích về việc liệu Kiev đã đủ binh lực, vật lực tiến hành một chiến dịch lớn như vậy, hay liệu đó có phải cách tối ưu nhất để sử dụng các nguồn lực từ phương Tây hay không.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine và một số quan chức tình báo phương Tây cho rằng hiện tại là thời điểm thích hợp để tổ chức một cuộc phản công lớn. Theo họ, Nga đang ở vào vị thế tương đối yếu so với trước đây, khi họ đã dồn lực cho các cuộc tấn công ở Donbass, miền đông Ukraine. Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh, dự đoán Nga sẽ buộc phải dừng tiến công ở Donbass trong một thời gian để tái tổ chức lực lượng, mở ra cơ hội phản công cho Ukraine.
Song quân đội Nga đã kiểm soát Kherson gần 5 tháng và củng cố các vị trí phòng thủ then chốt nhằm đối phó các nỗ lực phản công từ Ukraine, bình luận viên Michael Schwirtz của NY Times đánh giá. Họ cũng đã bổ nhiệm các lãnh đạo mới tại thành phố Kherson cũng như những thị trấn, làng mạc lớn trong khu vực.
Một số quan chức phương Tây và Ukraine cho rằng một chiến dịch phản công sẽ đòi hỏi lượng nhân lực và khí tài nhiều hơn nhiều lần so với những gì Kiev đang có. Pháo binh Ukraine hiện bắn khoảng 6.000-8.000 quả đạn các loại mỗi ngày. Để bắt đầu một cuộc tấn công lớn vào Kherson, họ sẽ cần số đạn gấp ba đến bốn lần con số trên.
Việc sở hữu những vũ khí tấn công tầm xa hơn không đồng nghĩa Ukraine có thể triển khai các cuộc phản công nhanh chóng hơn. Ukraine không có sức mạnh không quân đáng kể, vì thế họ chủ yếu vẫn phải dựa vào lực lượng bộ binh nhằm giành ưu thế. Trong khi đó, nguồn cung vũ khí từ phương Tây vẫn chưa đạt tốc độ như Kiev mong muốn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 25/7 cho biết 3 trong 15 khẩu pháo tự hành Gepard mà Đức hứa cung cấp cho Ukraine từ tháng 4 bây giờ mới cập bến và ông hy vọng Ukraine sẽ sớm nhận được số xe tăng Leopard, chủ yếu do Tây Ban Nha chuyển giao.
Nguồn cung ngày càng tăng có thể giúp Ukraine tạo thế cân bằng trên một phần của mặt trận, nhưng đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy họ sẽ tạo được bước đột phá giúp thay đổi cục diện chiến trường, giới phân tích nhận định.
Sau 4 tháng Nga duy trì đà tiến về phía đông và phía nam, vũ khí phương Tây dường như đã giúp "cán cân quân sự trở về trạng thái cân bằng hơn", bình luận viên Dan Sabbagh từ Guardian đánh giá. Nhưng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kherson dường như vẫn là bài toán nan giải với quân đội Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo NY Times, Guardian)