Vài tháng qua, quy tắc "de minimis" nổi lên như một chủ đề gây chú ý tại Mỹ, tiềm ẩn rủi ro trở thành một cuộc chiến thương mại mới, theo Le Monde. Hôm 26/8, sự quan tâm bùng lên khi PDD - công ty mẹ của Temu - gây chấn động với doanh số quý II tăng gần 90%.
"De minimis" tức là "quá nhỏ để có ý nghĩa" (too small to be meaningful). Nó cho phép các gói hàng dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Mức này tại Mỹ là 800 USD và 150 euro ở Liên minh châu Âu (EU).
Ý tưởng ban đầu của "de minimis" là khuyến khích khách du lịch mua sắm, tiết kiệm công sức cho ngành hải quan, cũng như đơn giản hóa thương mại quốc tế. Nhưng giờ, giới chức phương Tây cho rằng quy tắc này cần được xem lại.
Số lượng gói hàng dưới 800 USD ở Mỹ tăng vọt, lên hơn một tỷ gói vào năm ngoái, so với khoảng 140 triệu gói vào một thập kỷ trước. Trong đó, Shein và Temu chiếm 30%, theo ước tính của Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc.
Tại EU, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 2 tỷ bưu kiện có giá trị khai báo dưới 150 euro được nhập vào khu vực này năm ngoái. EC cho rằng "khối lượng thương mại điện tử khổng lồ đang thử thách giới hạn của hải quan".
Theo Le Monde, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Temu và AliExpress phát triển mạnh mẽ kể từ đại dịch. Họ vận chuyển các gói hàng "với mức giá không thể cạnh tranh hơn" trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến khách hàng mà không qua trung gian.
Phần lớn trong đó là quần áo giá rẻ, được ví như "thời trang siêu nhanh". Họ bán những chiếc váy với giá 8 USD, đồng hồ thông minh 25 USD. Người tiêu dùng phương Tây cũng thích áo phông và quần dài giá dưới 10 USD mua từ các nền tảng này. Tuy nhiên, các thương hiệu Zara hoặc H&M không thích như vậy. Do đó, các sáng kiến nhằm chống lại xu hướng "thời trang siêu nhanh" thông qua siết chặt "de minimis" phát triển mạnh mẽ.
Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) - tổ chức vận động chính sách cho các nhà sản xuất - cáo buộc các nền tảng sử dụng hình thức giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng để tránh nộp thuế lẫn kiểm tra hải quan. Theo AAM, Shein là điển hình vươn lên thống trị thị trường thời trang trực tuyến nhờ tận dụng "de minimis". Bởi, quần áo của nền tảng này quá rẻ, nên giá trị từng gói hàng phần lớn dưới 800 USD. Năm 2022, họ không phải trả thuế nhập khẩu, dù chiếm 50% tổng doanh số thời trang nhanh tại Mỹ. Trong khi đó, H&M phải trả 205 triệu USD, Gap là 700 triệu USD.
"Chính sách này bất công với các nhà nhập khẩu khác khi họ phải trả thuế. Nó còn có nghĩa Mỹ đang ngầm hỗ trợ thành công của Shein, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và công nhân trong nước", báo cáo của AAM nêu.
Từ năm ngoái, giới chính trị gia Mỹ đã quan tâm đến những gói hàng nhỏ miễn thuế này. Ở Thượng viện, nghị sĩ Sherrod Brown và Marco Rubio muốn cấm hàng hóa từ các quốc gia là nền kinh tế phi thị trường và nằm trong danh sách theo dõi ưu tiên của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) được hưởng quy tắc "de minimis", tức ngầm nhắm vào Trung Quốc. Họ cũng kêu gọi hải quan thu thập thêm thông tin về các lô hàng "de minimis" và cấm các hành vi lợi dụng chính sách này.
Tháng 3 năm nay, các công đoàn, nhà sản xuất, hiệp hội doanh nghiệp tại Mỹ công bố thành lập một liên minh kêu gọi sửa đổi chính sách để hạn chế lỗ hổng "de minimis". Nghị sĩ Earl Blumenauer, thành viên cấp cao Tiểu ban Thuế quan và phương tiện của Hạ viện về thương mại đang phối hợp với liên minh này. "Đã đến lúc quốc hội phải hành động", ông nói.
Một số chuyên gia cho rằng Mỹ nên hạ ngưỡng "de minimis" vì 800 USD là rất cao. Giới hạn này ở Trung Quốc chỉ 8 USD. Robert Lighthizer, cựu Đại diện thương mại Mỹ trong chính quyền Trump cho rằng nếu không bỏ quy tắc này, mức giới hạn nên giảm xuống 50 hoặc 100 USD.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch xem xét lại quy tắc "de minimis", trong khi EU cũng có kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết về biện pháp và giới hạn mới chưa được công bố.
Trong khi đó, ở châu Âu, EU đã thảo luận về việc bỏ giới hạn 150 euro như một phần của dự án cải cách hải quan do EC đề xuất vào tháng 5/2023. Họ đang tìm cách đẩy nhanh việc thống nhất phương án để chống lại sự gia tăng của hàng nhập khẩu giá rẻ.
Mới đây, Bộ Kinh tế Đức công bố "Kế hoạch hành động thương mại điện tử" nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu không kiểm soát các sản phẩm giá trị thấp từ các nước ngoài EU. Bản kế hoạch có nhắc đến Temu và Shein.
Đức dự định triển khai 3 biện pháp chính, gồm tăng năng lực hải quan và giám sát thị trường, kiểm soát chặt hơn hàng nhập khẩu; thực thi nghiêm ngặt Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Chính quyền sẽ hành động phù hợp với bảo vệ môi trường và người tiêu dùng, hướng tới loại bỏ ngưỡng miễn thuế các gói hàng nhỏ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi chính sách với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. Đầu năm 2022, khi quốc hội Mỹ cân nhắc đưa điều khoản liên quan quy tắc này vào dự luật bán dẫn, một số nhóm doanh nghiệp do Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia đã viết thư kêu gọi giữ nguyên điều khoản này.
Họ cho biết những thay đổi sẽ "áp đặt chi phí lớn lên doanh nghiệp, người lao động và tiêu dùng, tạo áp lực lạm phát mới lên nền kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng".
Nói trên AP giữa năm ngoái, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ John Drake cho rằng cắt giảm ngưỡng 800 USD sẽ làm tăng thuế với nhiều doanh nghiệp nhỏ. Họ cũng tốn thêm chi phí thuê dịch vụ để xử lý các lô hàng. Theo ông, việc thu thuế với các lô hàng giá trị thấp "thực sự không đáng để bận tâm".
Phản hồi về kế hoạch siết quy tắc "de minimis" của Nhà Trắng tuần trước, Temu cho biết mô hình kinh doanh của họ không dựa vào chính sách này. Thay vào đó, hãng "cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết", giúp người tiêu dùng tiết kiệm. Trong khi, Shein cho biết ưu tiên tuân thủ quy định nhập khẩu.
Nhà sáng lập PDD Colin Huang cũng cảm nhận được những rào cản sắp tới. "Trong tương lai, tăng trưởng ngành này chắc chắn sẽ chịu áp lực từ cạnh tranh gia tăng và những thách thức bên ngoài", ông nói cuối tháng trước.
Phiên An (theo Le Monde, CNBC, Reuters, AP, AAM)