BBC là một trong những hãng tin trực tiếp lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng của Nga. Hãng này mô tả chi tiết quy mô lớn chưa từng có của sự kiện với hàng chục nghìn binh sĩ diễu hành và nhiều vũ khí mới lần đầu xuất hiện trên Quảng trường Đỏ, trong đó có siêu xe tăng Armata T-14.
CNN cũng mô tả cuộc duyệt binh ở Moscow với 16.000 binh sĩ, 200 phương tiện bọc thép và 150 máy bay các loại là "hoành tráng". Hãng này khẳng định Ngày Chiến thắng, đánh dấu thời điểm Đức Quốc xã đầu hàng Xô viết năm 1945, là một ngày lễ trọng đại với nước Nga.
"26 triệu người ở Liên Xô đã thiệt mạng trong Thế chiến II. Có 4 triệu binh lính Nga chưa bao giờ được tìm thấy thi thể", hãng tin Mỹ viết. "7 thập kỷ sau đó, trên trái đất vẫn rải rác những tàn dư từ thời quá khứ chiến tranh của Nga, xương cốt của những người đã ngã xuống đôi khi chỉ được che phủ bởi một lớp đất mỏng".
AP mô tả "ngày kỷ niệm chiến thắng là lễ trọng đại ở Nga, vừa để bày tỏ lòng kính trọng với sự hy sinh của hồng quân, vừa thể hiện Nga là một lực lượng đảm bảo hòa bình và an ninh cho thế giới". Hãng dẫn phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin trong buổi lễ rằng sự tàn khốc của chiến tranh càng cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảm ơn Anh, Pháp, Mỹ đã góp phần đánh bại phát xít Đức.
Bên cạnh việc mô tả buổi lễ lớn, các hãng thông tấn phương Tây chỉ ra sự thiếu vắng các gương mặt lãnh đạo Âu, Mỹ, coi đó là bằng chứng rõ ràng cho sự căng thẳng hiện nay do vấn đề Ukraine.
Hãng thông tấn Pháp AFP cho hay ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao khác có mặt tại sự kiện như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, thì sự kiện gần như vắng bóng các lãnh đạo phương Tây.
"Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối tham dự lễ kỷ niệm, lãnh đạo các đồng minh chủ chốt của Nga trong Thế chiến II là Anh và Pháp cũng vậy", hãng này cho biết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không dự duyệt binh nhưng sẽ bay sang Moscow ngày mai để đặt vòng hoa tại mộ Liệt sĩ Vô danh và gặp ông Putin. Trong khi đó, Nga không mời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông này tham gia kỷ niệm kết thúc Thế chiến II cùng các lãnh đạo châu Âu hôm qua.
"Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực để tạo ra một thế giới đơn cực", hãng dẫn ông Putin dùng cụm từ mà Nga thường sử dụng để chỉ trích tham vọng của Mỹ mà Moscow coi là âm mưu kiểm soát các vấn đề của thế giới.
Khi những trừng phạt của phương Tây đối với Nga quanh vấn đề Ukraine tiếp diễn, Moscow dường như xa cách với châu Âu và tập trung vào phát triển quan hệ với Trung Quốc, AP nhận định.
BBC cũng nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa Moscow và Bắc Kinh khi nhắc đến đến một đội hình binh sĩ Trung Quốc lần đầu tham dự duyệt binh ở Nga.
Tờ New York Times dẫn lời Li Xin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Trung Á, nhận xét rằng việc ông Tập xuất hiện một cách trang trọng ở Moscow những ngày này là điều hợp lý cho cả Nga và Trung Quốc. "Nga cần nhiều đối tác hơn, và Trung Quốc là một đối tác lý tưởng cho Nga", Li nói.
Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời ông Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nói rằng sự vắng mặt các lãnh đạo phương Tây tại lễ duyệt binh quan trọng trên là một điều "đáng tiếc". Ông hy vọng quan hệ giữa Nga và Anh cũng như các nước phương Tây sẽ nhanh chóng cải thiện để họ có thể tham dự những lễ kỷ niệm tương tự trong tương lai.
Anh Ngọc