Trong 6 ngày vừa qua, Đà Nẵng hai lần áp dụng mẫu giấy đi đường nhằm khắc phục những kẽ hở pháp lý dẫn đến tình trạng cấp giấy tràn lan, sai đối tượng. Mẫu giấy đi đường mới được ban hành chiều 4/8, trong đó phân cấp việc đóng dấu xác nhận giấy đi đường cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên ngoài, tiểu thương ở các chợ,... thuộc về UBND các phường, xã.
![](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/06/mau1-8405-1628256895.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uHl9c_sHNmvdAHaCXxE-ig)
Tại UBND phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu), trong sáng 6/8, hàng trăm người lao động, tiểu thương đại diện doanh nghiệp đến xin "giấy thông hành", dẫn đến tình trạng tập trung đông ở cổng vào. Đến 9h, bảo vệ phải đóng cổng và thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ.
Phía trong, chính quyền bố trí máy sát khuẩn, khu vực ngồi giãn cách trong lúc chờ làm thủ tục. Do số lượng quá đông, người dân được phân luồng nộp hồ sơ tại khu vực một cửa; doanh nghiệp nộp tại hội trường. Những trường hợp cấp thiết như tang gia, khám bệnh được ưu tiên cấp giấy trước.
Phường Hoà Minh dân số trên 60.000 người, hiện có hơn 40 ca dương tính. Cán bộ địa phương cùng lúc phải đi truy vết, hỗ trợ điểm xét nghiệm, chốt cách ly nên khi nhận thêm việc cấp giấy đi đường đã phải trưng dụng 15 giáo viên công lập trên địa bàn đến hỗ trợ.
Anh Nguyễn Văn Tân (31 tuổi) xin giấy để đi đáo hạn ngân hàng, ngồi từ 8h30 đến 9h40 chưa được gọi tên, tỏ thông cảm khi phải chờ lâu vì quá đông. "Nhưng tôi thắc mắc là thành phố đã có nền tảng về công nghệ, sao không để người dân khai sẵn thông tin, rồi lên phường đối chiếu và đóng dấu cho nhanh", anh nói.
Chị Trần Hồng Phúc (35 tuổi), chủ nhà thuốc ở phường Hoà An (quận Cẩm Lệ) đến phường này xin giấy đi đường nhưng được hướng dẫn về phường Hoà Minh - nơi cư trú. "Tôi phải chạy qua lại hai phường, đến gần trưa vẫn chưa xong", chị nói và cho rằng nếu thành phố dừng tất cả hoạt động như khi thực hiện Chỉ thị 16 hồi năm ngoái thì người dân không phải vất vả làm giấy đi đường.
![Đông người dân đi làm thủ tục cấp giấy đi đường ở phường Hoà Minh. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/06/d3-2057-1628256895.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7M1J5YjiStZAQBRNIXZyGw)
Đông người dân đi làm thủ tục cấp giấy đi đường ở phường Hoà Minh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Thanh Kiếm (47 tuổi), giám đốc một công ty kinh doanh hóa chất, cũng cho rằng việc cấp giấy có bất cập. Từ chiều hôm qua đến sáng nay, ông phải chạy vòng quanh đến nhiều nơi để có chứng minh một số hóa chất kinh doanh là "mặt hàng thiết yếu" mới được phường xác nhận giấy đi đường cho 7 nhân viên (theo quy định chỉ 50% lao động tại công ty được làm việc).
Do số lượng người đến xin giấy đông, nhiều hồ sơ cần thời gian đối chiếu, ký và đóng dấu, phường Hoà Minh phải hẹn những trường hợp đến sau quay lại vào buổi chiều để tiếp tục được giải quyết.
Ông Lê Thành Quyết, Phó chủ tịch UBND phường Hoà Minh, nói tối qua phải thức đến 0h để ký giấy, rà soát lại một số hồ sơ kịp cho sáng nay bộ phận văn thư đóng dấu. Trong vòng 24 tiếng, phường đã cấp hơn 5.000 giấy đi đường cho các doanh nghiệp, người lao động, chưa kể số tiểu thương do ban quản lý chợ cấp giấy.
Theo ông Quyết, dù số lượng công việc rất lớn, chính quyền địa phương vẫn rà soát chặt chẽ, không cấp vội để tránh xảy ra sai sót, đảm bảo đúng đối tượng.
Nhiều người dân, doanh nghiệp không đọc kỹ văn bản của thành phố, dẫn đến việc khi giải quyết hồ sơ thì thắc mắc, làm mất thời gian. "Nhiều khi đông người quá, chúng tôi phải tạm ngưng trong một thời gian để đảm bảo giãn cách", ông nói.
![Đại diện doanh nghiệp chen chân chờ đến lượt được giải quyết thủ tục cấp giấy đi đường tại phường Hoà Minh. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/06/d2-5567-1628256895.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZHQvstVVTcfexXu0V5ALGw)
Đại diện doanh nghiệp chờ đến lượt được giải quyết thủ tục cấp giấy đi đường tại phường Hoà Minh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tại phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), nơi có 600 đến 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong sáng nay cũng nhiều người đi xin giấy đi đường để thuận lợi tham gia vào chuỗi cung ứng cho các công ty, nhà máy tại Khu công nghiệp Hoà Khánh đóng trên địa bàn (công nhân trong nhà máy do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu Công nghiệp Đà Nẵng đóng dấu đi đường).
Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND phường, cho biết chính quyền đã chuẩn bị rất kỹ, từ tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ đến thông báo từ sớm đến các tổ dân phố để người dân nắm rõ trường hợp được cấp giấy đi đường, nhưng "khối lượng công việc vẫn quá tải".
Ông đã trực tiếp ra giải quyết thủ tục, nếu hồ sơ đã được rà soát thì ký ngay để trả cho doanh nghiệp, không cần trình ký như quy trình giải quyết thủ tục hành chính đơn thuần. "Nếu doanh nghiệp đề xuất không đúng, chúng tôi tuyệt đối không xác nhận", ông nói. Tối hôm qua, ông rời cơ quan lúc 23h30.
Từ chiều hôm qua đến sáng nay, có khoảng 5.000 hồ sơ liên quan xin giấy đi đường liên quan đến các công ty, doanh nghiệp. "Tuy nhiên qua rà soát, chúng tôi chỉ cấp giấy cho khoảng 3.000 người. Một số doanh nghiệp bày tỏ không hài lòng nhưng chúng tôi chấp nhận", ông Hải nói, cho biết quy định về cấp giấy đi đường mẫu mới đã chặt chẽ hơn trước.
Theo ông Hải, chính quyền địa phương cũng gặp khó khi rà soát các hồ sơ của nhiều công ty vì "doanh nghiệp đăng ký từ 30 đến 40 mặt hàng kinh doanh nhưng chỉ có 1-2 mặt hàng nằm trong danh mục thiết yếu". Do đó lại cần thêm giấy xác nhận mặt hàng được vận chuyển mới được cấp giấy. Nếu Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể cung cấp danh sách các công ty đáp ứng được yêu cầu, phường nhập tên vào phần mềm dữ liệu để tra cứu sẽ đỡ mất thời gian hơn.
Trong sáng 6/8, Công an Đà Nẵng ban hành hướng dẫn các trường hợp được phép qua các chốt. Trường hợp không cần giấy đi đường gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công an đang thực thi nhiệm vụ; xe có phù hiệu ưu tiên; đoàn xe tang; người mang trang phục công an, quân đội hoặc xuất thẻ ngành công an, quân đội; thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản.
![Một trường hợp dùng một giấy đi đường và chở theo hai người khác, bị công an nhắc nhở, trưa 6/8. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/06/d1-7161-1628256895.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fI4SQKIyVxD0Hoi-AONYSg)
Một trường hợp dùng một giấy đi đường và chở theo hai người khác, bị công an nhắc nhở, trưa 6/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Giấy đi đường được phân làm hai loại. Giấy cần một con dấu là cán bộ các cơ quan đảng, chính quyền của Trung ương, địa phương; giấy cần hai con dấu là các trường hợp có xác nhận của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp; Sở Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng hoặc UBND các xã, phường.
Ngoài ra, người dân có thể dùng các giấy tờ sau để thay thế giấy đi đường, như giấy đi chợ (đúng thời gian và cung đường đến chợ được ghi trên phiếu); giấy mời tiêm vaccine; giấy hẹn tái khám chữa bệnh; lịch chạy thận và một số trường hợp cấp bách khác; giấy mời, giấy triệu tập đương sự đối với các vụ án, vụ việc cấp thiết phải xử lý, không thể trì hoãn được.
Chiều nay tại các chốt kiểm soát, một số trường hợp được nhắc nhở và linh động cho đi khi chưa kịp làm giấy theo mẫu mới, một số trường hợp buộc phải quay đầu. Tuy nhiên, tình trạng một người có một giấy đi đường nhưng dùng ôtô chở theo nhiều người khác đã xảy ra. Công an Đà Nẵng yêu cầu các chốt xử phạt tình trạng sử dụng giấy đi đường không đúng, nhất là giấy đi đường để trống thông tin.
Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.153 bệnh nhân Covid-19. Riêng hôm nay ghi nhận 61 ca, trong đó có 3 ca cộng đồng, 10 ca trong vùng phong toả, 48 ca là F1 đã được cách ly. Từ 18h ngày 31/7, Đà Nẵng cách ly xã hội toàn thành phố, người dân phải có giấy xác nhận mục đích thiết yếu khi ra đường.