"Xin chào anh, chị! Chúng tôi là lực lượng tuần tra 8394 công an phường An Hải Bắc. Đề nghị anh chị xuống xe, xuất trình giấy đi đường", trung uý Nguyễn Quang Minh Thức thông báo.
Hai người bước xuống, đưa ra giấy đi đường và trình bày mình làm tại một khách sạn phục vụ cách ly trên đường Võ Nguyên Giáp, đang đi mua nhu yếu phẩm. Trung úy Thức rọi đèn pin vào "giấy thông hành" của hai người và thông báo "không hợp lệ". "Chữ ký này đã khắc thành con dấu, không phải chữ ký tươi", anh Thức giải thích, đồng thời lật mặt sau của tờ giấy đưa lên ánh sáng của đèn pin để chứng minh chữ ký không có lực tì xuống. Hai người đi xe máy chấp nhận về trụ sở công an để làm rõ sự việc.
0h, tổ tuần tra ở ngã ba Chính Hữu giao với Phạm Văn Đồng, phát hiện nam thanh niên chạy xe máy đang cố lách qua chốt kiểm soát đã được rào chặt. Thấy bóng lực lượng chức năng, người này tính quay đầu xe nhưng không kịp.
Nam thanh niên trình bày mình đi rút tiền để mai cho mẹ đi chợ sớm. Tổ tuần tra yêu cầu khám xét cốp xe và soi đèn pin xung quanh đề phòng người được kiểm tra tẩu tán chất cấm.
"Ngoài kiểm soát người ra đường vì lý do thiết yếu hay không, chúng tôi còn có nhiệm vụ trấn áp tội phạm về đêm", một chiến sĩ giải thích.
Trong lúc xử lý sự việc trên, công an phát hiện một thanh niên khác chạy xe máy chở theo ba thùng bia ngang qua. Người này lập tức bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe. Anh giải thích chỉ chở bia sang địa điểm gần đó nhưng được thông báo bia không phải là mặt hàng thiết yếu khi thành phố cách ly xã hội để chống dịch.
Trung úy Thức là tổ trưởng kíp tuần tra đêm 4/8 của công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Sáu thành viên gồm hai công an phường, hai dân quân thường trực và hai bảo vệ dân phòng, được trang bị khẩu trang, găng tay và loa để phát thông báo khi cần thiết.
Xuất phát lúc 23h từ trụ sở trên đường Nguyễn Trung Trực, tổ đi tuần tra đi vào từng ngõ phố, quan sát hầu hết các ngả đường trên địa bàn. Phố xá vắng vẻ khi đa số người dân đã đóng chặt cửa. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp ra đường trong đêm vì các lý do khác nhau.
Tổ tuần tra 8394 của các phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng được thành lập từ năm 2015, phối hợp nhiều lực lượng, làm nhiệm vụ tuần tra trấn áp tội phạm. Thông thường, tổ chia hai ca tuần tra đêm, mỗi ca 4 tiếng khép kín địa bàn quản lý. Khi có dịch Covid-19, lực lượng đảm nhận luôn nhiệm vụ kiểm soát lý do ra đường.
Những ngày qua, trên địa bàn phường An Hải Bắc, tổ tuần tra thường xuyên xử lý các lỗi như người dân ra đường khi không cần thiết, không đeo khẩu trang, tụ tập ăn nhậu ngoài vỉa hè. Có trường hợp nam thanh niên "thông chốt" bỏ chạy trên đường, buộc công an phải truy đuổi gần một km và bắt giữ tại cầu sông Hàn.
Bốn hôm trước, tổ tuần tra rà soát một căn nhà cho thuê trên địa bàn vì có tiếng ồn ào, phát hiện 5 thanh niên tụ tập sử dụng trái phép chất ma tuý. "Khi lực lượng chức năng đưa nhóm người về trụ sở lập biên bản, một người đã cắn vào tay chiến sĩ công an, hòng bỏ chạy nhưng đã bị khống chế ngay sau đó", trung uý Đặng Danh Thái kể.
Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh, Trưởng Công an phường An Hải Bắc, cho biết trong đợt dịch này, trên địa bàn đã ghi nhận hơn 20 ca Covid-19. An Hải Bắc tiếp giáp Nại Hiên Đông - phường đang phong toả cứng vì liên quan chuỗi lây nhiễm ở cảng cá Thọ Quang (nơi ghi nhận 467 ca dương tính).
Trước khi dịch bùng phát, phường chỉ duy trì một tổ tuần tra trấn áp tội phạm ban đêm. Tuy nhiên, khi Sơn Trà trở thành điểm nóng với hàng chục ca dương tính mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại, công an phường đã tăng lên 4 tổ tuần tra. Ngoài ra, các khu dân cư còn lập 48 tổ Covid cộng đồng để nhắc nhở người dân. "Đôi khi, chỉ một người dân sơ ý đi lại, cũng có thể khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của cả hệ thống có nguy cơ đổ sông đổ bể", thiếu tá Linh nói.
An Hải Bắc rộng hơn 3,43 km2, dân số 30.000 người và là một trong những phường đông dân nhất quận. Bốn tổ công an trực chốt ban ngày ở 5 khu dân cư từ 6h đến 18h. "Anh em về nghỉ chút rồi lại lên đường tuần tra đến sáng. Địa bàn gần như được kiểm soát 24/24", thiếu tá Linh nói.
Các chiến sĩ cấm trại 100%. Hội trường của trụ sở cũ đã xây dựng hơn 20 năm được dọn dẹp tạm để trưng dụng thành nơi nghỉ lưng cho hơn 30 người. Nhiều chiến sĩ phải gửi con cho người thân, thậm chí thuê người trông giúp vì vợ làm nhân viên y tế, cũng phải cách ly tại cơ quan để chống dịch.
Đại uý Huỳnh Đức Vinh (công an phường An Hải Bắc), có vợ làm ở Khoa xét nghiệm của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Chị đi làm khi vừa hết thời gian nghỉ sinh con thứ hai, cùng lúc Sơn Trà là tâm dịch. Suốt ngày trong bộ đồ bảo hộ đi lấy lấy mẫu, nhiều hôm chị về cơ quan đã nửa đêm, không kịp gọi điện thoại hỏi thăm con gái 3 tuổi và con trai mới 8 tháng.
Bên kia sông Hàn, những con phố vắng tanh nhưng các lực lượng đứng chốt, tổ tuần tra của công an quận Hải Châu vẫn có mặt ở nhiều tuyến đường.
"Cơ bản người dân đang chấp hành tốt việc không ra đường, nhưng chúng tôi không chủ quan, vẫn duy trì các tổ tuần tra", Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng công an quận Hải Châu nói.
Công an quận Hải Châu có ba tổ tuần tra trên các tuyến đường chính. Ngoài ra, mỗi công an phường có một đến hai tổ tuần tra phòng chống dịch và tổ 8394 kết hợp vừa trấn áp tội phạm, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người dân ra đường khi không thực sự cần thiết.
Đà Nẵng cách ly xã hội với các biện pháp "cao hơn Chị thị 16", từ 18h ngày 31/7. Công an đã lập chốt dày đặc, kết hợp với tuần tra để kiểm soát người ra đường. Thống kê trong ba ngày 2-4/8, công an Đà Nẵng đã xử lý 320 người vi phạm, trong đó 11 người bị xử phạt hành chính. Tình trạng người đi đường sử dụng giấy không đúng diễn ra phổ biến, với hơn 1.000 trường hợp bị phát hiện.
2h sáng ngày 5/8, thi thoảng những chiếc xe cứu thương hú còi xé toang không gian tĩnh mịch. Trên đường phố, các tổ tuần tra vẫn miệt mài làm nhiệm vụ.