Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư gan xếp thứ ba trong nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất toàn cầu, sau phổi và dạ dày. Năm 2010 ước tính có khoảng 754.000 người tử vong do ung thư gan trên thế giới. Trung bình mỗi năm có nửa triệu ca mắc mới. Hơn 80% bệnh nhân ở châu Á và khu vực châu Phi cận Sahara. Dạng ung thư gan phổ biến nhất là Carcinom tế bào gan (HCC), chiếm đến 80%.
"Thủ phạm" gây bệnh chủ yếu là viêm gan mạn tính do virus viêm gan C (HCV) và viêm gan B (HBV) dẫn đến xơ gan, là bệnh cảnh nền của 70-80% số ca ung thư gan. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao dẫn đến nhiều người ung thư gan. Ước tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, tỷ lệ này cao nhất thế giới.
Nhìn chung, bệnh nhân ung thư gan nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và phẫu thuật triệt để thì tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 80%. Tuy nhiên ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bệnh nhân chưa có ý thức tầm soát sớm nên thường phát hiện ung thư ở giai đoạn cuối, do vậy việc ghép gan không mang lại kết quả tốt. Khi đó ung thư đã xuất hiện tại các tạng khác, có khả năng lây lan vào gan mới ghép, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa đến 10%.
Ung thư gan tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng ở giai đoạn sớm nên đa số bệnh nhân được phát hiện khi đã trở nặng. Do vậy bác sĩ khuyên những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như mắc viêm gan B, C, xơ gan, uống rượu nhiều hoặc trong gia đình từng có người bị ung thư gan, nên thường xuyên kiểm tra tầm soát để phát hiện bệnh sớm.
Trước đây muốn chẩn đoán ung thư, bác sĩ phải dựa vào khảo sát mẫu tế bào hoặc mẫu mô bằng kính hiển vi. Quá trình lấy mẫu tế bào hoặc mô để thử như vậy gọi là sinh thiết, hay nôm na là "thử thịt". Trường hợp phát hiện bất thường sau khi chụp cắt lớp điện toán hay cộng hưởng từ thông thường đều phải sinh thiết gan để kiểm chứng. Trường hợp ung thư gan đường kính nhỏ dưới 20 mm thì việc sinh thiết cực kỳ khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mới đây các nhà khoa học đã tìm ra một loại thuốc hỗ trợ cho cộng hưởng từ gan nhằm tầm soát rất sớm các loại ung thư gan dưới 10 mm và không cần phải sinh thiết. Đó là chất gadoxetic axit được sử dụng trong phương pháp MRI Primovist. Phương pháp này được cho là có ích với người bị viêm gan siêu vi B, C lâu năm và xơ gan, vì đây là nhóm có nguy cơ ung thư rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang, giải thích dược chất này tiêm vào cơ thể người khỏe mạnh sẽ được gan hấp thụ, chuyển hóa rồi đào thải vào đường mật. Trong trường hợp tế bào gan không hấp thu và chuyển hóa chất này cho thấy tế bào đó đã bị mất chức năng. Tùy theo mức độ trên biểu đồ phân tích từ máy MRI, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng đó là suy chức năng tế bào gan hay ung thư tế bào gan.
Bác sĩ Đức khuyên những người có nguy cơ cao bị ung thư gan, xơ gan do nhiễm siêu vi viêm gan B, C mạn tính hoặc bất kỳ nguyên nhân nào nên thực hiện phương pháp MRI gan với Primovist theo định kỳ. Người có thói quen uống rượu bia cũng cần nâng cao ý thức tầm soát, bởi thực tế đã có rất nhiều trường hợp phát hiện ung thư gan với kích thước rất nhỏ nhờ MRI Primovist.
Thế giới hiện chỉ có một số quốc gia áp dụng phương pháp trên bởi chi phí rất đắt đỏ. Chẳng hạn để thực hiện chẩn đoán ung thư gan sớm bằng kỹ thuật này tại Singapore, bệnh nhân phải chi 2.000 đôla Singapore (gần 50 triệu đồng), chưa kể chi phí ăn ở và đi lại. Tại Việt Nam, chi phí để thực hiện một ca chẩn đoán tương tự chỉ 8 triệu đồng giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mà hiệu quả không thua kém các nước khác.
Theo bác sĩ Đức, để phòng ngừa xơ gan, ung thư gan, mọi người nên chủ động tầm soát siêu vi viêm gan và chích ngừa viêm gan siêu vi B để tạo kháng thể tự nhiên chống lại virus. Đây là một trong những thủ phạm gây ung thư gan hàng đầu ở nước ta. "Người đến tuổi trưởng thành có quan hệ tình dục cần nâng cao ý thức tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây lan và nhiễm virus viêm gan siêu vi B. Uống rượu bia với lượng vừa phải, đừng để gan bị xơ hóa dễ dẫn đến ung thư", bác sĩ lưu ý.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net