![Lửa khói bao trùm chiếc Sukhoi Superjet 100 tại sân bay Sheremetyevo ở Moskva hôm 5/5. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/05/08/file75818kft1ci51we7p2z-155711-4221-9601-1557291221.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ckQhwJ9cRxIc5BnPIm0U9g)
Lửa khói bao trùm chiếc Sukhoi Superjet 100 tại sân bay Sheremetyevo ở Moskva hôm 5/5. Ảnh: Reuters.
Sau khi chiếc Sukhoi Superjet 100 (SSJ-100) chở 78 người của hãng hàng không Nga Aeroflot bốc cháy trên đường băng hôm 5/5 khiến 41 người thiệt mạng, một loạt chỉ trích đang đổ dồn về những người xách theo hành lý khi được sơ tán. Nhiều người cho rằng việc hành khách nán lại để lấy hành lý đã chặn lối thoát hiểm, khiến việc sơ tán gặp khó khăn và tước đi cơ hội được sống của những người khác.
Đây không phải là vấn đề mới. Trong vụ tai nạn máy bay A340-300 của Air France ở Canada ngày 2/8/2005, mặc dù thân máy bay bị vỡ, gần một nửa số hành khách vẫn nán lại để lấy hành lý. Ngày 3/8/2016, tình trạng tương tự xảy ra khi máy bay Emirates Airline gặp sự cố ở Dubai khiến bình chứa nhiên liệu bị nổ, dù tiếp viên hàng không liên tục hét lên: "Hãy để mọi thứ ở lại". May mắn là không có ai thiệt mạng trong các trường hợp này.
Khuyến cáo an toàn năm 2015 được Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh đưa ra cho biết một số lượng đáng kể hành khách cầm theo hành lý trong những trường hợp khẩn cấp. Cơ quan này kêu gọi các hãng hàng không đưa ra cảnh báo nghiêm khắc hơn trước mỗi chuyến bay và tăng cường đào tạo cho tiếp viên hàng không.
Một nghiên cứu do Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đưa ra năm 2000 cho thấy 36 tiếp viên hàng không báo cáo rằng hành khách mang theo hành lý là trở ngại lớn nhất khi sơ tán. 208 trong số 419 hành khách được phỏng vấn thừa nhận đã cố gắng mang theo đồ đạc khi rời khỏi máy bay trong tình huống khẩn cấp.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết trong nhiều năm qua họ đã cố gắng giáo dục hành khách về tầm quan trọng của việc bỏ lại hành lý. Thông điệp đã được lồng ghép vào những thông tin tư vấn du lịch, thông cáo báo chí và trang web liệt kê mẹo du lịch.
"Đây là vấn đề rất lớn", Sara Nelson, chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ, cho biết. "Một số hãng hàng không luôn yêu cầu tiếp viên nhắc nhở hành khách trước khi máy bay cất cánh là không lấy hành lý trong trường hợp khẩn cấp, nhưng chỉ dẫn này vẫn bị phớt lờ".
![Một số hành khách cầm theo hành lý khi rời khỏi máy bay bốc cháy ngày 5/5. Ảnh chụp màn hình.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/05/08/catsffdfdd-1557290347-8654-1557291222.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JoCdxAMEOq4mOtac9ecWrA)
Một số hành khách cầm theo hành lý khi rời khỏi máy bay bốc cháy ngày 5/5. Ảnh chụp màn hình.
Thay vì cố gắng thay đổi hành vi hành khách bằng cảnh báo và tuyên truyền, các hãng hàng không và cơ quan quản lý nên xem xét giải pháp kỹ thuật, Richard Healing, cựu thành viên NTSB, nói.
Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (RAeS) gợi ý giải pháp là thiết lập khóa ngăn chứa hành lý bên trên chỗ ngồi. Phi công sẽ kích hoạt khóa này khi cất, hạ cánh hoặc khi trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ về mức độ hiệu quả của biện pháp này. Đối với những người khăng khăng bảo vệ tài sản, biện pháp này có nguy cơ phản tác dụng khi các hành khách tìm mọi cách để mở ngăn bị khóa, khiến quá trình sơ tán càng bị trì hoãn.
Một ý tưởng khác là loại bỏ ngăn hành lý ở bên trên chỗ ngồi. Hành khách vẫn được phép mang theo một chiếc túi nhỏ để vừa dưới ghế. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu hành khách cầm theo túi nhỏ thì việc đó vẫn có thể làm chậm quá trình sơ tán nhưng không nghiêm trọng như việc lấy hành lý từ ngăn bên trên.
Các hãng hàng không có thể thay đổi chính sách hành lý, cho phép tất cả hành khách được ký gửi một kiện miễn phí, ngay cả với các hãng giá rẻ. Việc ký gửi tất cả hành lý cũng có thể giúp tăng tốc quá trình lên máy bay và làm tăng tỷ lệ máy bay khởi hành đúng giờ. Vì vậy, bên cạnh lợi ích an toàn, việc loại bỏ ngăn đựng hành lý có thể cải thiện chất lượng ngành hàng không, Marisa Garcia, ký giả đã làm việc 16 năm trong ngành hàng không, nhận xét.
"Trong khi ngành hàng không tập trung vào việc làm cho ngăn chứa hành lý rộng rãi hơn, đó có thể là bước đi sai hướng. Thực tế là ngăn này không có vai trò quan trọng đối với hoạt động của máy bay. Chúng nhằm phục vụ cho sự thuận tiện của hành khách và yếu tố an toàn luôn nên là ưu tiên hàng đầu, cao hơn cả sự thuận tiện", Garcia viết.
Hiện trường vụ cháy máy bay Nga ở sân bay Sheremetyevo, Moskva hôm 5/5. Video: Reuters.
Robert Sumwalt, chủ tịch NTSB, cho rằng ngành hàng không nên quy định hình phạt với hành khách mang hành lý khi sơ tán. Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ cũng đồng ý với đề xuất này. Họ cho rằng cần phạt hành khách lên tới 250.000 USD nếu họ làm điều gì đó khiến phi hành đoàn và những hành khách khác gặp nguy hiểm.
Trong vụ tai nạn máy bay Nga ngày 5/5, Pavel Gerasimov, luật sư của gia đình một hành khách thiệt mạng cho biết họ đã nộp đơn lên Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Nga (ICR) Alexander Bastrykin để yêu cầu giới chức xác định danh tính và truy tố những hành khách cố lấy hành lý khi máy bay bốc cháy.
Luật sư Gerasimov nói rằng nếu ICR xác nhận các hành khách lấy hành lý này đã làm chậm quá trình giải cứu những người còn mắc kẹt bên trong máy bay, gia đình nạn nhân sẽ yêu cầu thủ phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều luật về hành vi tắc trách và không tuân thủ yêu cầu an toàn khi xảy ra hỏa hoạn.
Sara Nelson, chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ, ủng hộ áp dụng các biện pháp mạnh tay. "Rõ ràng nguy cơ bị thiêu bởi hàng nghìn lít nhiên liệu không đủ sức răn đe để ngăn hành khách nán lại lấy hành lý".
"FAA nên sử dụng các luật hiện hành để xử lý các hành khách gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác khi họ đặt máy tính, mỹ phẩm và quần áo lên trên mạng sống con người".
Phương Vũ (Theo Forbes/ Express)