Tác giả Ce Phan là giáo viên tại Nhật Bản, chia sẻ bài viết sự khác nhau giữa cấu trúc gia đình, xã hội của người Việt và Nhật Bản, nhân dịp năm mới Giáp Thìn:
Khi có dịp gặp gỡ với những gia đình người Nhật ở đây vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi thường hay nói về sự khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Có những điều tương phản có thể nhìn thấy được bằng chính trải nghiệm cá nhân của mỗi người.
Người Nhật cảm nhận rằng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình người Việt khăng khít hơn gia đình người Nhật. Khi nói tới chuyện này, thì một bác người Nhật tự ngẫm "chắc có lẽ người Nhật có trái tim lạnh giá như mùa đông ở đây".
Tôi cũng đùa rằng: "Chính vì vậy mà gia đình người Nhật chỉ tụ họp mỗi năm một lần vào mùa hè". Thật vậy, gia đình ở Nhật ít gặp gỡ vào năm mới, họ thường gặp vào mùa Obon (tháng tám). Ở Nhật, người ta cũng ít liên lạc với nhau bằng điện thoại. Nếu nhớ nhau thì họ viết thư để hỏi thăm nhau. Thường thì họ cũng chỉ thường viết thư vào các dịp quan trọng chứ cũng không thường xuyên lắm.
Người Việt chúng ta thì có vẻ ngược lại. Dù xã hội có hiện đại hơn thì các thành viên vẫn giữ liên lạc với nhau. Người Việt lưu lạc bốn phương cũng hay hỏi han nhau và nói chuyện với người nhà nếu có thể. Tình làng nghĩa xóm có thể phai dần đi như vẫn có những liên hệ với nhau chứ không hề phai nhạt hẳn.
Khi kể như thế thì một bác già người Nhật bảo rằng ở Nhật 50-60 năm trở về trước xã hội Nhật cũng có vẻ như thế. Con người sống cần đến nhau nhiều hơn và có nhiều sự liên hệ với hàng xóm và các thành viên gia đình. Sau đó, bác lấy ví dụ về chuyện tiệc cưới ở Nhật.
Ngày đó, hễ yêu nhau lấy nhau thì sẽ làm tiệc cưới mà tiệc cưới lúc đó làm tại gia đình và đền nên có nhiều người đến chúc mừng. Ngày nay, không phải lập gia đình thì phải làm tiệc cưới. Chỉ có số ít mở tiệc mà có mở tiệc thì cũng chỉ vài ba chục khách tham dự mà thôi.
Sau những buổi nói chuyện như vậy, tôi tự ngẫm lại điều gì đã làm thay đổi mối quan hệ gia đình và xã hội?
Tôi nhận thấy một điều rất quan trọng trong cách vận hành một xã hội hiện đại đã tạo ra những sự thay đổi lớn. Đó là "phúc lợi xã hội".
Khi hai đứa con được sinh ra ở đây, tôi đọc Hiến Chương Nhi Đồng (1950) của Nhật Bản thì trong đó có ghi rõ là đứa trẻ tuy được ba mẹ bảo bọc nuôi nấng như nó đã là một con người của xã hội. Có nghĩa là con người về cơ bản là một cá thể độc lập. Vì thế cha mẹ tránh lạm dụng quyền làm cha mẹ mà xâm phạm đến những giá trị được pháp luật bảo vệ.
Thực ra, con nít ở đây được sinh ra và nhận được sự chăm sóc của gia đình cùng với phúc lợi của xã hội. Gia đình được hỗ trợ tiền sinh sản, nghỉ sinh và nuôi dưỡng. Sau đó, đứa trẻ được hỗ trợ ăn học và lớn lên thì được vay tiền để vào Đại học. Dấu ấn của gia đình tuy có nhưng không quá lớn như thời xưa. Có nhiều gia đình tan vỡ và cha mẹ sống tách rời nhau. Người bảo trợ đứa trẻ cũng nhận được những khoản trợ cấp đặc biệt để nuôi dưỡng đứa trẻ.
Ngược lại, người già có phúc lợi của người già và vì thế sự hiện diện chăm nom của con cái nhiều lúc không cần thiết. Họ tự trang trải bằng chính tiền hưu của mình và họ dự phòng tiền cho cả cái chết. Người Nhật thường vẽ ra hành trình cho cả cuộc đời ngay từ lúc còn trẻ.
Đồng nghiệp của tôi đều có một cuốn sổ để viết ra những chuyện quan trọng họ muốn làm trong hết cuộc đời của họ. Dựa vào những phúc lợi do chính tiền đóng thuế, con người hiện đại lại càng trở trên độc lập và tách biệt với gia đình.
Ở Việt Nam, phúc lợi xã hội cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn chưa thay thế được cái "phúc lợi gia đình", "phúc lợi làng xóm". Khi gặp khó khăn và trở bệnh các thành viên sống dựa vào nhau và tìm sự giúp đỡ từ người thân hơn là nhà nước. Mọi người luôn thấy cần nhau là vì thế. Quả đúng là khi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì người ta sống đùm bọc hơn, đoàn kết hơn.
Ce Phan
>> Những bài viết của tác giả Ce Phan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.