Công viên địa chất Phú Yên (Phu Yen Geopark) nằm trên các khu vực ở thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa. Tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và khoảng 1.000 km2 mặt nước vùng nội thủy (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50 m, bao gồm các đảo ven bờ).
Quy mô diện tích, phạm vi, ranh giới của công viên địa chất Phú Yên sẽ được xác định qua kết quả nhiệm vụ điều tra, khảo sát tiềm năng di sản địa chất và các giá trị khác ở một số khu vực tỉnh Phú Yên.
Theo quyết định của tỉnh Phú Yên, nơi đây sẽ được bảo tồn nguyên vẹn; sử dụng bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học.
Công viên là tiền đề để định hướng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, góp phần tạo thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế.
Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện nội dung liên quan.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kinh tế Phú Yên phát triển dựa trên lợi thế biển với năm trụ cột gồm công nghiệp; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
Trong đó, du lịch giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh.
Việt Nam hiện có ba công viên địa chất toàn cầu gồm: Công viên Địa chất Đắk Nông; Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Bùi Toàn