
Tổng công trình sư tên lửa huyền thoại của Liên Xô Sergei Korolev. Ảnh: Wikipedia
Trong những ngày đầu của cuộc chạy đua vào vũ trụ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bị lu mờ bởi một nhà khoa học Xô Viết bí ẩn, người được nhà báo nổi tiếng Mỹ Tom Wolfe gọi là "phù thủy mang lại hào quang cho chương trình không gian Liên Xô".
Trong thời kỳ đó, Liên Xô giữ kín các bí mật về chương trình không gian của mình, không hề công bố các số liệu, hình ảnh, biểu đồ, và người đứng đầu chương trình khám phá vũ trụ của họ được gọi bằng mật danh "Tổng công trình sư".
Người kỹ sư vĩ đại đó là Sergei Pavlovic Korolev. Tài năng và tầm ảnh hưởng của tổng công trình sư bí ẩn này là điều không có gì phải bàn cãi. Mỗi khi Mỹ công bố một thí nghiệm không gian nổi bật, họ đều rất ngạc nhiên khi biết rằng tổng công trình sư Liên Xô đã đưa ra các phát hiện này từ trước đó.
Năm 1955, Mỹ tuyên bố kế hoạch phóng một vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ vào đầu năm 1958. Korolev đã khiến thế giới sửng sốt khi thực hiện điều đó vào tháng 10/1957. Khi Mỹ lên kế hoạch đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quay quanh Mặt Trời tháng 3/1959, tổng công trình sư Liên Xô đã hiện thực nó trước đó hai tháng.
Trong thập kỷ đầu tiên của cuộc đua vào không gian, Mỹ luôn chỉ đứng thứ hai và phải cố gắng hết sức để bắt kịp Liên Xô. Chỉ đến khi vị tổng công trình sư này qua đời vào năm 1966, Mỹ mới lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu.
Cách đây 50 năm, vào ngày 14/1/1966, Korolev qua đời, Liên Xô mất đi một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất trong ngành hàng không vũ trụ, và kể từ đó, chương trình không gian của họ không bao giờ quay trở lại vị trí dẫn đầu nữa.
Sinh năm 1907, Korolev theo học để trở thành một kỹ sư hàng không và tỏ ra rất quan tâm đến việc sử dụng tên lửa để làm động cơ máy bay. Năm 1934, ông công bố một bài luận về triển vọng các chuyến bay sử dụng tên lửa đẩy. Tài năng của ông trong lĩnh vực này nhanh chóng được thừa nhận và vào năm 1936, ông trở thành người đứng đầu Viện nghiên cứu Sức đẩy Phản lực của Liên Xô.
Năm 1938, ông bị một trong các đối thủ cạnh tranh, Valentin Glushko, tố cáo với mật vụ rằng ông đã cản trở việc nghiên cứu máy bay phản lực. Ông bị tra tấn trong nhà tù Lubyanka cho tới khi phải thừa nhận "tội lỗi" của mình và bị đưa tới trại cải tạo Gulag ở miền đông Siberia.
Sau khi phát xít Đức xâm lược Nga, Korolev bị chuyển tới một trại cải tạo lao động đặc biệt dành cho các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu về công nghệ quân sự, nơi ông đã có thành tựu nghiên cứu xuất sắc.
Nhờ việc góp phần nghiên cứu phát triển ra hai mẫu máy bay ném bom hiệu quả nhất của Liên Xô, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được xóa bỏ tội trạng và được điều động tham gia vào chương trình tên lửa mới của Hồng quân Liên Xô.
Korolev tập trung nghiên cứu tên lửa V-2 của Đức Quốc xã, và cải biến thành tên lửa R-2 với những đặc tính vượt trội. Với thành công này, ông đã không mất nhiều thời gian để thuyết phục cấp trên cho phép ông toàn tâm toàn ý nghiên cứu phát triển công nghệ tên lửa mới.
Năm 1957, ông cho ra mắt tên lửa Semyorka R-7, loại tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, ông không quan tâm về lĩnh vực vũ khí, mà tập trung nhiều công sức hơn vào chương trình không gian vũ trụ.
Korolev thuyết phục lãnh đạo Liên Xô rằng nếu họ không sử dụng tên lửa R-7 để phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên vũ trụ, Mỹ sẽ là nước đầu tiên đưa thiết bị bay vào không gian.
Sau vụ phóng thành công vệ tinh Sputnik, lãnh đạo Liên Xô đã cho phép Korolev và người học trò Sholom Kosberg tập trung vào chương trình thám hiểm Mặt trăng. Sử dụng tên lửa đẩy R-7 cải tiến cùng một loại tên lửa ba tầng mới do Kosberg thiết kế, Luna 1 đã trở thành thiết bị nhân tạo đầu tiên vượt ra ngoài quỹ đạo Trái đất, và Luna 2 là tàu vũ trụ đầu tiên đến được Mặt trăng.
Dưới sự chỉ đạo của Korolev, chương trình không gian vũ trụ của Liên Xô liên tiếp đạt được các thành tựu lớn vượt mặt nước Mỹ, chẳng hạn như đưa Yuri Gagarin vào vũ trụ, thực hiện các sứ mệnh có người lái Vostok và Voskhod.

Một phiên bản cải tiến của tên lửa đẩy R-7 mang vệ tinh lên vũ trụ. Ảnh: RocketNews
Aleksei Leonov, người thực hiện cuộc đi bộ đầu tiên trong không gian trong sứ mệnh Voskhod 2 đã mô tả về Korolev: "Ông chỉ được nhắc đến bằng tên viết tắt hoặc bằng mật danh Tổng công trình sư. Korolev nổi tiếng là người đàn ông cầu toàn nhất, có yêu cầu rất khắt khe trong công việc. Ông ấy được tôn sùng như một vị thần”.
Thời gian làm việc trong trại cải tạo Gulag đã khiến ông mắc các bệnh về tim mạch, thận và túi mật, khiến sức khỏe yếu đi trông thấy và qua đời sau đó không lâu.
Tuy nhiên, chi tiết cụ thể liên quan đến cái chết của ông vẫn chưa rõ ràng. Ông được cho là đã bị biến chứng trong quá trình phẫu thuật polyp và tử vong. Có lẽ vết sẹo quai hàm khi ông bị ngồi tù đã cản trở việc lắp đặt nội khí quản cho ông.
Sau khi Korolev qua đời, người duy nhất có thể đảm đương công việc của ông là học trò Kosberg. Nhưng ông Kosberg cũng qua đời một năm sau đó do biến chứng sau phẫu thuật, để lại toàn bộ công việc cho Vassily Mishin và Valentin Glushko, người tố cáo Korolev 30 năm trước.
Các kế hoạch đưa tàu vũ trụ có người lái lên Mặt trăng của Korolev đã được Vassily Mishin và Valentin Glushko tiếp tục nhưng phải hứng chịu những thất bại. Tên lửa đẩy N-1 đều phát nổ trong 4 lần phóng lên, trong khi Mỹ đã đưa được tàu vũ trụ Apollo lên Mặt trăng. Để tránh hứng chịu thêm thất bại, lãnh đạo Liên Xô quyết định chấm dứt dự án thám hiểm Mặt trăng và xóa toàn bộ hồ sơ liên quan.
Rosh Gelernter, chuyên gia phân tích của National Review cho rằng tài năng và đóng góp của Tổng công trình sư Korolev vào tiến bộ của nhân loại trong công cuộc thám hiểm vũ trụ là không thể phủ nhận. Không có tổng công trình sư này, Mỹ sẽ không có đối thủ để cạnh tranh và bứt lên trong cuộc đua vũ trụ.
"Nếu Korolev có điều kiện thuận lợi như các thiên tài tên lửa đẩy Abe Silverstein và Milt Rosen của NASA , ngành khoa học vũ trụ sẽ còn phát triển trước 10 hoặc 20 năm so với hiện nay", Gelernter nhấn mạnh.
Duy Sơn