Theo khảo sát mới của nhà nghiên cứu Catherine Loveday tại Đại học Westminster (Anh), 80% những người được hỏi cho biết trí nhớ của họ giảm đáng kể so với trước Covid-19. Một trong những nguyên nhân là họ sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn. Loveda nhận định, khi chuyển một phần dữ liệu sang bên thứ ba như smartphone, não bộ sẽ dần mất đi bản năng ghi nhớ.
Đồng quan điểm, Giáo sư Oliver Hardt, nhà nghiên cứu về trí nhớ tại Đại học McGill, nói: "Nếu bạn ngừng sử dụng bộ nhớ, nó sẽ hoạt động kém đi, khiến bạn phải phụ thuộc vào các thiết bị hơn. Ví dụ, khi truy cập trang web để tìm công thức, bạn chỉ cần click và danh sách thành phần được gửi đến smartphone. Điều đó thực sự tiện lợi, nhưng phải trả giá. Kiến thức tốt nhất là kiến thức nằm trong bộ nhớ của bạn vì nằm trong bộ nhớ điện thoại".
Ông Hardt cũng phản ánh việc người dùng điện thoại ngày càng phụ thuộc vào GPS và điều này có thể làm giảm chất xám trong não bộ.
"Hệ thống định vị dựa trên GPS không yêu cầu bạn hình thành một bản đồ địa lý phức tạp. Thay vào đó, nó bảo bạn rẽ trái, phải... ở điểm tiếp theo. Đây là phản ứng hành vi khá đơn giản so với việc cần kiến thức về bản đồ, đòi hỏi bạn xác định chính xác địa điểm, phương hướng và tính toán phức tạp về mặt nhận thức", ông nói. Nhóm nghiên cứu của ông cũng phát hiện những người mắc vấn đề về ghi nhớ cũng gặp khó khăn trong việc đọc bản đồ.
Theo các nhà nghiên cứu, smartphone có thể mang đến nhiều kiến thức mới cho người dùng nhưng cũng có thể kéo họ ra khỏi thực tại. Ví dụ, một người có thể bỏ lỡ một bữa tối tuyệt vời bên người thân vì mải tập trung vào những đoạn trò chuyện qua chat.
Barbara Sahakian, nhà thần kinh học tại Đại học Cambridge, từng thực hiện một nghiên cứu về khả năng ghi nhớ của ba nhóm sinh viên. Nhóm đầu nhận được một tin nhắn trước khi nhiệm vụ bắt đầu. Nhóm thứ hai nhận tin nhắn trong lúc đang đọc hiểu. Nhóm thứ ba không bị làm phiền bởi tin nhắn. Kết quả cho thấy những người nhận được tin nhắn không nhớ chính xác những gì mình vừa đọc, ngược với nhóm không bị làm phiền.
Tuy nhiên, giáo sư Chris Bird, chuyên về thần kinh nhận thức tại trường Tâm lý học thuộc Đại học Sussex, cho rằng những thiết bị phụ trợ giúp tiết kiệm thời gian ghi nhớ, để não bộ tập trung cho những thứ quan trọng.
Theo ông, nhiều dữ liệu mà điện thoại lưu lại rất khó dung nạp vào bộ não con người. "Tôi chụp phiếu gửi xe của mình để biết thời gian hết hạn Bộ não của chúng ta không sinh ra để nhớ các sự kiện xảy ra một lần. Trước khi chúng ta có công nghệ, bạn phải nỗ lực để nhớ thời gian quay lại ôtô, nó khiến ta không thể tập trung vào những việc quan trọng", giáo sư Bird nói.
Thảo Hiền (theo Guardian)