"Tôi thường đăng một cái gì đó trước gi tôi đi ngủ", Ji-yeon nói. "Việc này rất thú vị khi thức dậy, tôi sẽ xem mọi người đã bình luận về nó như thế nào. Đây như một nghi lễ mỗi sáng của tôi".
Kim Ji-yeon đang sống ở Hàn Quốc. Cô thường xuyên đăng ảnh tự sướng, ảnh đồ ăn và thỉnh thoảng là ảnh con chó cưng. Cô cũng thừa nhận đang nghiện điện thoại thông minh, như mọi người khác cô biết. Cô mang theo nó khắp mọi nơi, mọi lúc, chẳng có ngày nào tách rời. Cô sạc điện thoại trên giường hàng đêm. Một trong những mối lo ngại nhất của cô là lúc điện thoại rơi sang vạch đỏ.
"Tôi rất lo mỗi khi quên sạc điện thoại. Nó giống như tôi bỏ lỡ mất cuộc sống của mình vậy. Hầu hết những người tôi biết cũng như vậy", Ji-yeon nói trên tờ AFP.
Ji-yeon là một trong nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã dành một thời lượng đáng kể trong quỹ thời gian của mình để giao tiếp qua điện thoại và các phương tiện truyền thông xã hội. Nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Seoul St. Mary đã phát hiện ra phụ nữ Hàn Quốc có nguy cơ dễ nghiện smartphone gấp 2 lần nam giới.
Trong nghiên cứu, bác sĩ tâm thần đã khảo sát 2.281 phụ nữ và 2.573 nam giới. Trong số những người tham gia có 17,9% nữ giới bị nghiện điện thoại thông minh, trong khi chỉ có 9,4% nam giới bị nghiện.
"Chúng tôi cho rằng một trong những lý do đằng sau những số liệu này là do phụ nữ có xu hướng dễ hình thành các mối quan hệ trực tuyến hơn nam giới", Kim Dae-jin, một bác sĩ tâm thần, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cũng phát hiện smartphone là nguyên nhân gây ra trầm cảm và các vấn đề thần kinh, ví như tránh giao tiếp ngoài đời thực.
Một nghiên cứu năm ngoái của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy phụ nữ, đặc biệt là những người có vấn đề về tài chính và địa vị xã hội dễ bị trầm cảm hơn nam giới. Số liệu cụ thể là 9,1% phụ nữ từng bị các vấn đề thần kinh ít nhất một lần trong đời, còn nam giới chỉ có 4,3%. Đáng chú ý 31,7% phụ nữ không tốt nghiệp trung học dễ bị trầm cảm, do nghèo, stress sau sinh, bị lạm dụng lúc nhỏ...
Nghiên cứu mới của Bệnh viện Seoul St. Mary chứng minh rằng điện thoại thông minh là một hình thức thoát ly đối với những người bị trầm cảm. "Khi một người đang có những cảm xúc tiêu cực thì tự nhiên họ sẽ tìm một nơi để thoát khỏi sợ hãi và lo lắng", nghiên cứu cho biết. "Thế giới ảo với người dùng dấu tên mang đến cho họ một cơ hội được làm con người khác, hành động khác. Do đó những người vốn không hài lòng với bản thân, người tiêu cực ngoài đời thực thì sẽ rất dễ nghiện thế giới ảo".
Bảo Nhiên