Năm qua, lĩnh vực văn hóa hứng chịu nhiều bức xúc từ dư luận. Hàng loạt scandal xảy ra ở nhiều lĩnh vực như cấp phép ca khúc, cấp phép biểu diễn, thi nhan sắc... cho thấy sự yếu kém, hời hợt trong công tác quản lý văn hóa từ trung ương tới địa phương.
Đỉnh điểm là scandal cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD). Một số ca khúc bị dừng lưu hành với lý do mập mờ rồi lại được phổ biến. Nhiều bài hát đi vào đời sống từ lâu bỗng một ngày bị thông báo chưa được "tồn tại", cần xin phép lưu hành. Việc 300 ca khúc nhạc cách mạng, gồm cả Tiến quân ca, bị đưa vào danh mục được phổ biến khiến nhiều người bức xúc.
"Con đường xưa em đi" là một trong những tác phẩm bị Cục NTBD đột ngột cấm lưu hành rồi cho phổ biến trở lại. |
Câu hỏi được đặt ra là Cục có quyền cho phép hay không cho phép một ca khúc tồn tại. Bất chấp những lời khuyên của giới chuyên môn và dư luận giữa "điểm nóng", Cục NTBD vẫn khư khư hình thức nặng tính "xin-cho". Cách vận hành thiếu sự nhạy bén, có dấu hiệu lạm quyền của cơ quan này khiến bức xúc ngày một lên cao, từ phía công chúng lẫn các đơn vị tổ chức, biểu diễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cuối cùng chỉ đạo ngừng cấp phép ca khúc nếu nội dung không trái thuần phong mỹ tục và xâm phạm lợi ích quốc gia. Cục trưởng NTBD khi ấy - ông Nguyễn Đăng Chương - đã xin lỗi công luận về khâu quản lý ca khúc và chuyển công tác. Đây vốn là điều chưa từng xảy ra.
* Cục trưởng NTBD xin lỗi công luận
Tình trạng quản lý yếu kém thể hiện cả ở lĩnh vực thi nhan sắc. Lùm xùm Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh đoạt vương miện dù từng phẫu thuật thẩm mỹ là điển hình.
Các quy định hiện hành chỉ nêu sơ sài về việc người đẹp đi thi nhan sắc phải có sắc vóc tự nhiên, chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Chế tài đối với thí sinh đoạt giải nhưng phạm quy cũng không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan. Khi trường hợp của Lê Âu Ngân Anh xảy ra, cơ quan chức năng bối rối. Cục khẳng định "không có căn cứ pháp lý cụ thể" để xử lý. Cuối cùng, cơ quan này chọn cách an toàn là phạt hành chính ban tổ chức Hoa hậu Đại dương nhưng tất cả chỉ mang tính hình thức, không đủ sức răn đe.
Vụ bán kết chương trình Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam diễn ra bất chấp bão lũ ở Nha Trang cho thấy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa không sát sao trong việc hướng dẫn ban tổ chức thực hiện công văn khẩn từ Cục NTBD về việc ngưng tổ chức chương trình để khắc phục hậu quả thiên tai. Đại diện của cơ quan địa phương không có mặt kịp thời để xử lý vi phạm.
Việc quản lý thi người đẹp vi phạm khi ra nước ngoài thi nhan sắc chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Điều đó dẫn tới tình trạng hàng loạt người đẹp "thi chui"... Hầu hết sẵn sàng chịu phạt hành chính từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Những hứa hẹn của Cục NTBD trước đó về các phương án giải quyết mạnh mẽ hơn như cấm diễn, cấm xuất cảnh vẫn chỉ dừng lại ở kế hoạch trên giấy tờ.
Vụ lùm xùm của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh cho thấy hành lang pháp lý thiếu chặt chẽ cộng với công tác quản lý còn yếu kém của các cơ quan văn hóa. |
Chuyện thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở các khách sạn ở Đà Nẵng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gây tranh cãi. Các cơ sở cho rằng việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý vì họ đã thanh toán cước thuê bao truyền hình cáp. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: làm thế nào xác minh việc sử dụng âm nhạc qua tivi, tác phẩm nào được sử dụng qua tivi thuộc quyền bảo hộ của trung tâm, mức thu phí dựa trên phương thức tính toán nào... VCPMC thừa nhận gặp rào cản công nghệ trong việc tính toán vấn đề này. Sau nhiều tranh cãi, đơn vị vẫn tiếp tục đòi phí tác quyền của các khách sạn.
Vai trò của Bộ Văn hóa và Cục Bản quyền Tác giả bị mờ nhạt. Cho rằng "tranh chấp thuộc về lĩnh vực dân sự", việc duy nhất các cơ quan quản lý có thể làm là yêu cầu VCPMC ngưng thu phí các hộ kinh doanh để hai bên tự thỏa thuận cũng như chờ VCPMC xây dựng lại lộ trình thu phí.
* Phó Đức Phương phân trần về vấn đề thu phí tác quyền ở Việt Nam
Vấn đề nổi cộm khác gây bức xúc trong năm qua là tình trạng vi phạm bản quyền xuất phát từ sự thiếu ý thức của nhiều đối tượng.
Trong lĩnh vực âm nhạc, hàng loạt sản phẩm như Đâu chỉ riêng em (Mỹ Tâm), Ghen (Min và Erik), Ánh nắng của anh (Đức Phúc)... bị nghi ngờ copy giai điệu từ nhạc nước ngoài. Mới đây, sau khi nhận phản hồi từ đại diện của nhà soạn nhạc Ivan Torrent (Tây Ban Nha) về việc sử dụng hai đoạn hòa âm mà không xin phép trong MV Sống xa anh chẳng dễ dàng, ca sĩ Bảo Anh mới nhận sai sót và đóng 100 triệu cho đơn vị giữ bản quyền. Trước đó, Noo Phước Thịnh cũng phải gỡ MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi do êkíp sử dụng một đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép.
Vi phạm bản quyền cũng diễn ra tràn lan trong giới mỹ thuật, dưới nhiều hình thức. Mở đầu là vụ bức tranh sao chép tác phẩm The Young Beggar của họa sĩ Tây Ban Nha - Bartolomé Esteban Murillo - vẽ năm 1650 bị mạo danh Tô Ngọc Vân, hai tác phẩm của Nguyễn Rô Hùng trong tay một nhà sưu tập bị xóa chữ ký và mạo danh Phạm An Hải, tranh Biển chết của Nguyễn Nhân vi phạm bản quyền ảnh chụp trên báo, tranh sơn mài An lạc của Nguyễn Trường An bị tố cáo đạo ý tưởng của Nguyễn Khắc Hân... Giữa bối cảnh lộn xộn trong nước, tờ New York Times của Mỹ từng đăng bài viết phản ánh thị trường tranh Việt Nam "đầy rẫy giả dối".
Từng có tranh bị giả chữ ký và trưng bày, họa sĩ Thành Chương cho biết Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không có biện pháp xử lý nào với những người vi phạm. Suốt những năm qua, nhiều họa sĩ chọn "sống chung với lũ" và tự vệ bằng cách phát triển các kỹ thuật vẽ riêng.
Ngô Thanh Vân từng bật khóc khi nói về tình trạng chiếu phim trái phép trên mạng đối với "Cô Ba Sài Gòn". |
Giới điện ảnh cũng "đau đầu" với tình trạng livestream trái phép. Các nhà sản xuất từng bức xúc khi Cô Ba Sài Gòn, Em chưa 18, Xóm trọ 3D... bị quay lén và phát tán trên mạng. Thậm chí, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam khi Kong: Skull Island bị chiếu trái phép trên Internet. Đạo diễn Bảo Nhân cho biết người vi phạm bản quyền thường là các bạn trẻ thiếu kiến thức.
Nhiều phương án được các lãnh đạo đề xuất để cải thiện tình hình nhốn nháo của lĩnh vực văn hóa - giải trí. Cục NTBD đang xem xét việc không cấp phép bài hát mà phân quyền cho các cơ quan quản lý địa phương. Trong trường hợp nhạy cảm hoặc khó giải quyết, các cơ quan sẽ trao đổi với Cục để phối hợp xử lý. Tất cả dựa trên tinh thần chỉ đạo trước đó của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Trong tương lai, các người đẹp có thể đi thi quốc tế mà không cần xin phép và không cần có sẵn danh hiệu ở trong nước. Tuy vậy, sau khi thi, họ phải thông báo để Cục NTBD nắm tình hình, như một hình thức hậu kiểm. Nếu không báo lại cơ quan quản lý sau khi đi thi hoặc bị phát hiện có vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, các người đẹp sẽ bị xử phạt.
* Thứ trưởng Vương Duy Biên nói về việc cấp phép các cuộc thi
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - từng khẳng định Bộ đang kiến nghị chính phủ để thay đổi một số quy định của Nghị định 79 và 15. Ngoài các văn bản quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, ông Vương Duy Biên cho biết sắp tới, Cục NTBD sẽ rà soát nhân sự nhằm giúp tăng hiệu quả quản lý.
Về việc vi phạm bản quyền, giới chuyên môn thừa nhận có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cả với tác giả lẫn người thưởng thức nghệ thuật. Các nghệ sĩ như Nguyễn Hồng Thuận, đạo diễn Bảo Nhân, diễn viên Mai Thu Huyền đều đồng quan điểm về việc cần lên án những hành vi xấu, tăng cường nhận thức về bản quyền cho công chúng. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cần thực hiện trọn vẹn trách nhiệm với bản quyền của đối tác.
Đức Trí - Hà Thu