Hồi đầu tháng 8, các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tràn vào ngôi làng nhỏ Maturat của những người theo đạo Yazidi thuộc quận Sinjar, Iraq, bắt và áp giải tất cả phụ nữ đến giam giữ tại nhà tù Badush ở Mosul.
Hàng trăm phụ nữ và bé gái bị dồn vào một thành cổ tại thị trấn Tal Afar phía bắc tỉnh Ninevel. Từ Tal Afar, một nhóm khoảng 150 phụ nữ chưa kết hôn, hầu hết là những người theo đạo Kito hoặc Yazidi, được lựa chọn và gửi đến Syria để "trao cho binh sĩ IS như phần thưởng hoặc để bán như những nô lệ tình dục", theo báo cáo đưa ra hôm qua của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Iraq.
Từ cuối tháng 8, Liên Hợp Quốc ghi nhận khoảng 2.500 vụ bắt cóc thường dân của IS. Trong số này chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nằm rải rác từ những thị trấn miền bắc Iraq và các khu vực thuộc Sinjar, Tal Afar, Nineveh Plain, Shirkhan. Khi rơi vào tay IS, những bé trai và bé gái bị các tay súng cực đoan này thay nhau thực hiện hành vi bạo lực tình dục, theo lời kể của nhân chứng.
Người từ chối cải đạo phải đối mặt với nguy cơ bị hành quyết. "Phụ nữ và trẻ em không chấp nhận cải đạo sẽ bị giao cho các tay súng hoặc mua đi bán lại từ Mosul tới thành trì Raqqa của IS ở Syria", Foreign Policy dẫn thông tin từ báo cáo.
Một thị trường dành riêng cho việc buôn bán phụ nữ đã được thiết lập tại al-Quds, thành phố lân cận Mosul. "Phụ nữ và các bé gái được gắn thẻ giá để người mua có thể chọn lựa và thương lượng", báo cáo nói. "Người mua chủ yếu là những người trẻ tuổi từ các cộng đồng địa phương. Rõ ràng IS đang 'bán' phụ nữ Yezidi cho các thanh niên này như một cách để dụ dỗ họ tham gia hàng ngũ của mình".
"Hành vi phạm tội của IS và những nhóm vũ trang liên quan thật đáng kinh ngạc, rất nhiều trong số đó có thể liệt vào hàng tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại nhân loại", Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền, cho biết trong tuyên bố phát hành cùng báo cáo.
"IS nhắm mục tiêu vào các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác nhau một cách trực diện và có hệ thống. Chúng bắt họ chịu đựng hàng loạt hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, gồm giết người, tấn công tình dục, cướp bóc, phá hoại tài sản bừa bãi, hủy diệt các công trình tôn giáo và văn hóa, ép buộc người khác cải đạo, từ chối quyền được hưởng các viện trợ nhân đạo cơ bản của con người; đồng thời thi hành chính sách thống nhất nhằm ngăn chặn, quét sạch, trục xuất vĩnh viễn hoặc tiêu diệt hoàn toàn những cộng đồng dân cư trong khu vực chúng kiểm soát", báo cáo cho hay.
Gần 8.500 dân thường bị sát hại, khoảng 15.700 người khác bị thương tại Iraq suốt một năm qua. Hơn 11.000 vụ xảy ra chỉ trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến 31/8 năm nay. Tinh đến tháng 8, hơn 1,8 triệu người Iraq bị mất nhà cửa.
Hành động của IS mang nhiều đặc điểm của các chiến dịch thanh trừng sắc tộc. Hôm 17/7, binh sĩ của nhóm bắt đầu đánh dấu những ngôi nhà của người theo đạo Kito tại hai khu vực lân cận Mosul với dòng chữ "nun" hay "n", với ý nghĩa những ngôi nhà này từng thuộc về người theo đạo Kito và nay là tài sản của IS. Nhà của những người Hồi giáo Shiite được đánh dấu với ký hiệu "raa" hay "r". Trước đó một ngày, IS phân phát tờ rơi thông báo người Kito giáo "phải cải đạo hoặc nộp thuế bảo kê, nếu không phải rời làng hoặc đối mặt với cái chết".
Ngoài dân thường vô tội, IS cũng nhắm vào lực lượng quân đội chính phủ Iraq. IS được cho là đã hành quyết khoảng 1.500 binh sĩ tại trại Speicher, một căn cứ cũ của quân đội Mỹ. Chuyên gia nhận định đây là hành động dã man và đẫm máu nhất nhóm khủng bố này từng thực hiện trong suốt cuộc xung đột.
Vũ Hoàng (theo Foreign Policy)