Thứ tư, 8/5/2024
Thứ ba, 24/1/2023, 14:00 (GMT+7)

Phụ nữ trong tranh triệu USD của danh họa Việt

Phụ nữ mặc áo dài, đội mấn hoặc nón lá là hình ảnh quen thuộc trong tranh triệu USD của các danh họa Việt.

Năm 2022 khép lại với ba tác phẩm của danh họa Việt được đấu giá hơn triệu USD, nâng tổng số tranh đạt mức này lên 19. Trong số đó, có 12 tác phẩm đề tài phụ nữ.

Đứng đầu là bức "Chân dung cô Phương" của Mai Trung Thứ với 3,1 triệu USD - kỷ lục tranh Việt, bán tại phiên của Sotheby's hồi tháng 4/2021. Tranh sơn dầu trên toan, kích thước 135,5x80cm, được họa sĩ vẽ năm 1930, mô tả cô Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông. Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa, vì thế nhà đấu giá xem đây là kiệt tác hiếm hoi của ông ở mảng tranh sơn dầu. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi ví "Chân dung cô Phương" là "Mona Lisa" của Việt Nam. Tranh cũng từng xuất hiện trong phim "Mùi đu đủ xanh" (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ảnh: Sotheby's

Xếp cao thứ hai là bình phong ba tấm "Dáng hình trong vườn" của Lê Phổ với giá 2,29 triệu USD, trong phiên của Sotheby's hồi tháng 4/2022.

Tranh ra đời năm 1973, chất liệu sơn dầu trên toan bồi trên gỗ, kích thước 175x209,5cm, khắc họa sáu nhân vật có kích thước như người thật đang hòa mình dưới những tán cây, hoa trong khu vườn ngập nắng vàng.
Tác phẩm được chủ nhân mua lại từ Phòng trưng bày Wally Findlay ở Palm Beach, Mỹ năm 1973, nằm trong bộ sưu tập tư nhân trước khi đưa ra đấu giá. Ảnh: Sotheby's

Thứ ba là bức "Phụ nữ đội nón lá bên sông" của Mai Trung Thứ với giá 1,57 triệu USD, được bán vào tháng 12/2021. Họa sĩ sáng tác năm 1937 - năm cuối cùng ông ở Việt Nam. Sử dụng chất liệu sơn dầu trên toan, kích thước 98x71cm, ông mô tả cô gái mặc áo dài xanh, đội nón lá đứng ven sông. Theo Sotheby's, danh tính nhân vật chưa được làm rõ nhưng là hình mẫu yêu thích của Mai Trung Thứ trong thời gian ông ở Huế. Tác phẩm thể hiện khả năng phối màu, sự khéo léo trong từng nét vẽ của danh họa. Ảnh: Sotheby's

"Những cô thợ may" của danh họa Nguyễn Phan Chánh đứng thứ tư với giá 1,39 triệu USD trong phiên của Christie's tháng 12/2020. Tranh mực và bột màu trên lụa, kích thước 65,5x88 cm, được họa sĩ vẽ năm 1930, mô tả bốn phụ nữ mặc áo tứ thân, quàng khăn mỏ quạ ngồi khâu vá. Họa sĩ đề bốn câu thơ: "Nét duyên dáng và thuần khiết của các nàng là vô song/ Nàng nào là người yêu kiều nhất?/ Giống như tấm lụa họ đang may/ Mỗi nàng đều có vẻ đẹp độc nhất". Tác phẩm được triển lãm tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931 và từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre. Ảnh: Christie's

Bức "Khỏa thân" của Lê Phổ xếp thứ năm với mức giá 1,39 triệu USD trong phiên của Christie's tháng 5/2019. Tranh sơn dầu trên toan, kích thước 90,5x180,5 cm, ra đời năm 1931, miêu tả một phụ nữ châu Âu đang nằm trên tấm lụa, hai tay che ngực.

Theo nhà đấu giá, vẽ tranh khỏa thân là điều không tưởng và cấm kỵ ở xã hội Việt Nam bấy giờ. Vì vậy, tác phẩm có ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật to lớn trong nền hội họa Việt Nam, cũng như đánh dấu mốc son trong sự nghiệp của họa sĩ. Lê Phổ mang tranh theo sang Pháp năm 1937 và cất giữ trong căn hộ nhỏ thuê ở Paris. Sau này, khi ông gia nhập quân đội Pháp, chủ nhà đã bán tranh để giải quyết các khoản nợ của ông. Tác phẩm từng nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm ở California. Ảnh: Christie's

"The et Sympathie" (Trà và đồng điệu) đứng thứ sáu với giá 1,36 triệu USD trong phiên của Sotheby's hồi tháng 10/2022. Tranh mô tả khung cảnh buổi trà chiều trong khu vườn yên tĩnh. Với kích thước 131x195 cm, tranh là một trong những tác phẩm sơn dầu trên vải lớn nhất của Lê Phổ từng xuất hiện trên thị trường.

Theo nhà đấu giá, bức họa thể hiện khả năng của Lê Phổ trong việc xây dựng bố cục phức tạp với 11 nhân vật và kết hợp các chủ đề nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông - hoa, thiếu nữ và tĩnh vật. Ảnh: Sotheby's

Thứ bảy là bức "Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn" của Lê Phổ với giá 1,36 triệu USD, bán trong phiên của Aguttes hồi tháng 10/2020. Tranh mực và màu trên lụa, kích thước 91x71 cm, được vẽ khoảng năm 1945, khắc họa chân dung thiếu nữ mặc áo dài, đội mấn ngồi cạnh bình hoa mẫu đơn. Theo nhà đấu giá, họa sĩ khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và yếu tố truyền thống Việt Nam. Tranh cũng làm nổi bật tài năng của Lê Phổ trong việc sử dụng màu sắc. Tác phẩm được lưu trong danh mục Galerie Romanet, Paris năm 1950. Ảnh: Aguttes

"Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân đứng thứ tám với giá 1,16 triệu USD, trong phiên của Christie’s hồi tháng 9/2019. Tranh ra đời năm 1932 - khi họa sĩ mới ra trường, chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 92,5 x 57cm. Họa sĩ thể hiện sự thất vọng của hai thiếu nữ qua dáng điệu, biểu cảm gương mặt. Tác phẩm từng thuộc sở hữu của Đông Dương Kinh tế Cục tại Paris và nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm cho đến khi đưa ra đấu giá. Ảnh: Christie’s

Số chín thuộc về "Family Life" (Đời sống gia đình) của Lê Phổ, đạt giá 1,16 triệu USD trong phiên của Sotheby's hồi tháng 4/2017. Đây là tác phẩm đầu tiên của họa sĩ Việt đạt mức triệu USD trên sàn quốc tế. Họa sĩ vẽ tranh vào khoảng năm 1937-1939, chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 82x66 cm. Tác phẩm mô tả khoảnh khắc thân mật trong một ngày nhàn nhã, tập trung vào hình ảnh người mẹ và đứa con. Theo nhà đấu giá, tranh hấp dẫn về mặt hình ảnh, là bức tranh lụa tinh xảo, hiếm có, đỉnh cao trong sự nghiệp lừng lẫy của Lê Phổ. Ảnh: Sotheby’s

"Thiếu nữ choàng khăn" của Lê Phổ đứng thứ 10 với giá 1,1 triệu USD, được ấn định trong phiên của Christie’s hồi tháng 5/2021. Ra đời năm 1938, bức họa tiêu biểu cho nguồn cảm hứng lớn của họa sĩ - đề tài thiếu nữ với khăn choàng. Tác phẩm điển hình cho tranh lụa hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ 20, thể hiện vẻ đẹp thanh tao của phụ nữ với các họa tiết về văn hóa Bắc bộ. Tranh phô diễn kỹ thuật vẽ lụa hiện đại, khác tranh lụa truyền thống trong nước và khu vực Đông Á. Ảnh: Christie’s

Vị trí thứ 11 là bức "Tắm tiên" của Vũ Cao Đàm, giá 1,03 triệu USD được ấn định trong phiên của Christie’s hồi tháng 12/2020. Họa sĩ vẽ tranh năm 1944, khắc họa khung cảnh hai phụ nữ tắm mình dưới làn nước, một người mặc áo dài ngồi trên bờ. Theo nhà đấu giá, họa sĩ sử dụng lụa đã ngâm trong nước pha với một ít mực đen, tạo độ sâu cho hậu cảnh. Sau đó, ông dùng cọ mảnh, khéo léo khắc họa bối cảnh bằng mực và bột màu. Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre. Ảnh: Christie’s

Số 12 là "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt" của Mai Trung Thứ, giá một triệu USD trong phiên của Bonhams tháng 11/2021. Tranh ra đời năm 1943, mực và màu trên lụa, 73x61cm, mô tả hai phụ nữ mặc áo dài ngồi chơi đàn nguyệt - một loại nhạc cụ truyền thống. Theo nhà đấu giá, bức tranh hòa quyện giữa thị giác và âm thanh một cách uyển chuyển, trữ tình. Tác phẩm đi kèm ảnh giấy chứng thực của phòng trưng bày Henri Joly đề ngày 7/12/1943. Ảnh: Bonhams

Hiểu Nhân