"Người ta bán đồ ăn là thức khuya dậy sớm, còn hai vợ chồng nó ngủ tới giờ này chưa chịu dậy nhóm than". Bà Hoa - hàng xóm của tôi nói về vợ chồng đứa cháu trai, gọi bà bằng cô trong lúc đi bộ thể dục với tôi và mấy người gần nhà.
Bà luôn than phiền về việc anh trai cưới vợ cho đứa cháu quá sớm, lúc chưa biết mùi đời là gì. Cưới xong lại còn đẻ "tằng tằng" hai đứa con khiến cha mẹ thêm khổ. Thương tình, bà gọi đứa cháu đến cho ở nhờ tầng trệt ngôi nhà của bà trên thị trấn để vừa làm chỗ ở, vừa làm nơi bán đồ ăn sáng.
Tôi vẫn thường hay nghe bà càm ràm chuyện hai vợ chồng đứa cháu quá vô tư. Cưới nhau bao năm rồi mà vẫn cứ như trẻ con, thỉnh thoảng lại gây gổ nhau. Tôi cũng thường nghe bà rù rì tâm sự: "Ước có chồng để một lần biết mùi cãi nhau là gì".
Một hôm, tôi nghe bà khoe: "Mới sắm đồ mới để chuẩn bị đi coi mắt, người ta làm mai". Thế là, bà hàng xóm của tôi - là trưởng chi nhánh của một ngân hàng , tâm trạng lâng lâng từ hôm đó cho đến khi buổi xem mắt kết thúc. Người đàn ông được làm mai lớn hơn bà hai tuổi, đã ly dị vợ, con đầu đã lớn, chỉ còn chu cấp tiền nuôi đứa út.
Bà tâm sự một tràng với tôi: "Ông ấy thì cũng được, nhưng sau khi ly dị, nhường nhà cho vợ và con ở, ông ấy về nhà ba mẹ ruột ở. Nếu tiến tới, thì dọn về nhà mình ở. Tuổi mình cũng khó sinh nở, ông ấy lại hai con. Không dám hỏi về tài sản riêng nhưng mình đoán ông ấy cũng chỉ vừa đủ sống, vài năm nữa về hưu chắc mình cũng phải nuôi".
Rồi bà chép miệng: "Cứ lấy nhau như hai vợ chồng thằng cháu xem ra cũng ổn, chưa tiền thì từ từ kiếm, còn thời gian thì không mua được bằng tiền". Sau đợt đó, cách một khoảng thời gian tôi lại nghe bà đi xem mắt, nhưng rồi lại thôi.
Cứ ngỡ, với những người đã có sẵn nhà, tiền tiết kiệm cả tỷ đồng - nói chung không lo lắng về tài chính nếu bước vào hôn nhân sẽ có nền tảng và lợi thế. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, chẳng hạn như bà Hoa, lại có nỗi sợ mất mát tài sản khi kết hôn. Khi đã có trong tay tài sản lớn, chế độ phòng thủ luôn bật là điều dễ hiểu.
Cách đây vài ngày, tôi có đọc được một bài viết về chuyện làm hợp đồng tiền hôn nhân. Khi nghe những chuyện này, người bạn làm luật sư của tôi nói rằng những người cần thiết làm hợp đồng tiền hôn nhân là những người như bà hàng xóm của tôi.
Còn với những người trẻ hơn, hôn nhân thường là kết quả của tình yêu, dĩ nhiên nếu có tài sản thì làm hợp đồng tiền hôn nhân cũng tốt, nhưng nếu cứ cứng nhắc về chuyện điều khoản này, điều khoản kia thì hôn nhân chẳng còn thú vị nữa.
*Quan điểm của bạn thế nào về hợp đồng tiền hôn nhân?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.