Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Bệnh nhiệt Đới TP HCM cho biết, nhiễm trùng tiểu là nhiễm trùng ở bất cứ nơi nào trên đường tiểu, từ lỗ tiểu cho đến thận. Nó được xác định bởi sự hiện diện của một số lượng vi khuẩn có ý nghĩa trong nước tiểu, kết hợp với những triệu chứng lâm sàng và triệu chứng nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất và đặc biệt phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so với nam giới. Từ 1 tuổi đến 50 tuổi, bệnh nổi bật ở nữ, do cấu tạo niệu đạo của nữ ngắn, lỗ tiểu ở gần hậu môn, do đó vi khuẩn từ vùng hội âm dễ đi vào bàng quang gây nhiễm trùng tiểu.
Bên cạnh đó, việc xoa bóp niệu đạo xảy ra khi giao hợp cũng tạo điều kiện đưa vi khuẩn vào trong bàng quang. Điều này có vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ có gia đình.
"Ở phụ nữ sau mãn kinh, có hiện tượng xơ và teo toàn bộ hệ sinh dục, tiết niệu, phần xa của niệu đạo trở nên cứng, kém đàn hồi, lớp biểu mô cũng mỏng đi...là những yếu tố thuận lợi gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang", bác sĩ Mai chia sẻ.
Đối với nam, nhiễm trùng tiểu ít gặp hơn ở người dưới 50 tuổi, do niệu đạo của nam dài hơn và do chất tiết của tiền liệt tuyến có tính diệt khuẩn. Sau 50 tuổi, tỉ lệ nhiễm trùng tiểu tăng ở nam giới do viêm tiền liệt tuyến hoặc tắc niệu đạo do phì đại tiền liệt tuyến...
Ngoài ra, đồng tính luyến ái cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, do liên quan đến việc giao hợp qua hậu môn.
Ngoài các yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng tiểu liên quan đến giới tính thì sự cản trở dòng nước tiểu do các tật bẩm sinh, u, sỏi hệ niệu; bệnh lý gây rối loạn chức năng bàng quang do thần kinh, các thủ thuật đặt thông tiểu, soi bàng quang... cũng gây nhiễm trùng tiểu.
Biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng tiểu rất đa dạng, người bệnh có thể có biểu hiện bất thường rõ ở đường tiểu nhưng đôi khi triệu chứng duy nhất là sốt", bác sĩ Mai lưu ý.
Một số các triệu chứng thường gặp trong bệnh nhiễm trùng tiểu:
- Tiểu lắt nhắt nhiều lần, đau và rát khi đi tiểu.
- Nước tiểu đục, đôi khi có máu.
- Nước tiểu có mùi khó chịu.
- Sốt, đôi khi kèm theo lạnh run nhưng đôi khi chỉ có biểu hiện ớn lạnh.
- Đau thắt lưng hoặc có cảm giác đau vùng hạ vị.
Về điều trị, theo bác sĩ Mai nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì việc điều trị đơn giản, cho kết quả tốt và thường chỉ cần dùng kháng sinh uống. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi, người có các bệnh lý làm giảm sức đề kháng của cơ thể như tiểu đường, xơ gan, dùng thuốc chống ung thư... hay người có bất thường trong cấu trúc hệ niệu; thì cần điều trị kháng sinh tích cực hơn. Cần chú ý đến những biến chứng nặng do nhiễm trùng tiểu, có thể đe dọa tính mạng như nhiễm trùng huyết từ nhiễm trùng tiểu, sốc nhiễm trùng, suy thận...
Bác sĩ Mai khuyến cáo, trong quá trình điều trị, cần tuân thủ điều trị và dùng kháng sinh đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng kháng sinh tại nhà.
Để phòng bệnh, cần lưu ý:
+ Phải uống nhiều nước, khoảng trên 1,5 lít một ngày, để gia tăng nhịp độ đi tiểu, giúp nhanh thải vi trùng qua nước tiểu.
+ Tránh thói quen nhịn tiểu, tránh táo bón.
+ Nên phát hiện và giải quyết tốt những yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng tiểu nếu có thể để giảm nguy cơ mắc bệnh.
+ Vệ sinh trước và sau những hoạt động quan hệ tình dục. Nên đi tiểu sau khi quan hệ tình dục, việc này giúp đào thải những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào bàng quang.
+ Khi đi vệ sinh, cần lau rửa từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào đường tiểu gây viêm nhiễm.
Lê Phương