Sinh ra và lớn lên ở Canada, Holly Ngan (tên nhân vật đã được thay đổi) thích leo cây, đạp xe và hoạt động ngoại khóa. Đối với cô, ánh mặt trời chưa từng là mối bận tâm. Holly chia sẻ, cô có làn da ngăm bẩm sinh và không tự ti vì điều đó.
Tuy nhiên quan điểm của cô thay đổi vào năm 10 tuổi, khi đi du lịch Hong Kong cùng gia đình trong kỳ nghỉ hè.
"Tất cả cô gái đều che kín mít. Anh trai tôi nói rằng kem chống nắng của họ là loại tốt nhất. Đây là lúc tôi nhận ra làn da trắng quan trọng thế nào trong văn hóa châu Á", cô nói.
Một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần 40% phụ nữ từ Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc cho biết họ thường xuyên sử dụng kem dưỡng trắng da. Tại Ấn Độ, các sản phẩm làm trắng chiếm 60% thị phần chăm sóc da.
Năm 2017, ngành công nghiệp làm trắng da toàn cầu được định giá 4,8 tỷ USD, dự kiến đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2027. Người tiêu dùng từ các nước châu Á chiếm phân khúc lớn. Theo ông Nathalie Africa-Verceles, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phụ nữ, Đại học Philippines, ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển trong một thời gian rất dài, không có xu hướng ngưng lại.
Người dân châu Á thường liên tưởng làn da ngăm đen với sự nghèo đói và công việc đồng áng. Trong khi đó, da trắng phản ánh một cuộc sống đầy đủ, địa vị kinh tế xã hội cao hơn. Đây là quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức.
Ở Philippines, hầu hết người dân có da tối màu. Tuy nhiên, làn da trắng được ưa chuộng hơn. "Tại các siêu thị, người ta dành một dãy kệ cho sản phẩm dưỡng trắng. Chúng tôi đều công nhận da sáng là chuẩn mực của vẻ đẹp", Marvie Dela Torre, một sinh viên tại thành phố Quezon cho biết.
Người Malaysia dùng thuật ngữ hitam manis để chỉ những người phụ nữ đẹp có làn da sẫm màu. Theo chuyên gia trang điểm Manmeet Kaur, chưa có hoa hậu nào của nước này là một hitam manis. "Niềm tin về làn da trắng vẫn cố hữu trong cách giáo dục. Khi còn nhỏ, chúng tôi được dạy không chơi ngoài trời, không phải vì tác hại của tia UV mà vì chúng tôi có thể bị đen đi", Manmeet nói.
Người dân châu Á dùng nhiều kem dưỡng trắng, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng hiệu quả. Một số loại kem chỉ có tác dụng sau thời gian dài. Số khác làm cho da trở nên trắng bệch và thiếu tự nhiên. Nhiều người thậm chí phải chịu các tác dụng phụ nguy hiểm, hoặc hỏng da vĩnh viễn.
Một báo cáo năm 2017 của nhóm các nhà khoa học tại Frontiers in Public Health chỉ ra nhiều rủi ro tiềm ẩn có trong các sản phẩm làm trắng da. Nghiên cứu cho thấy các loại kem dưỡng trắng được thử nghiệm tại Ấn Độ có chứa các thành phần độc hại như hydroquinone, thủy ngân và chất tẩy hydro peroxide. Hơn 50% sản phẩm khác được chứng minh là có hại cho da.
Năm 2016, giới chức Y tế Malaysia đã cảnh báo công chúng về sự nguy hiểm của liệu pháp tiêm trắng da chứa chất glutathione gây ung thư và suy thận. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn được bày bán phổ biến do nhu cầu của người dùng.
Ở Philippines, các tổ chức xã hội đã lan truyền chiến dịch #magandangmorenx, nghĩa là "da nâu xinh xắn" nhằm thay đổi nhận thức về cái đẹp. Tại Malaysia, phong trào #UnfairIsLovely đang phát triển mạnh mẽ, kêu gọi phụ nữ hài lòng với làn da tự nhiên.
Thục Linh (Theo SCMP)