Nhóm người biểu tình tập trung trước văn phòng thống đốc Herat, thành phố đông dân nhất miền tây Afghanistan, liên tục hô hào các khẩu hiệu như "Không có chính phủ nào ổn định nếu không có sự hỗ trợ của phụ nữ" hay "Đừng sợ hãi", "Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau".
"Trong hai tuần tôi chỉ ở nhà và khóc. Quá đủ rồi. Chúng ta phải phá vỡ sự im lặng", Sabira Taheri, 31 tuổi, người tổ chức cuộc biểu tình hôm 2/9, chia sẻ.
Do chán nản với cảnh bị yêu cầu ở nhà kể từ khi Taliban nắm quyền, Taheri cùng 5 người bạn đã kêu gọi biểu tình và không ngờ đông người tham gia tới như vậy.
"Tôi cũng sợ hãi, nhưng tôi đã nói với những người phụ nữ rằng tôi sẽ đứng ở hàng đầu tiên. Taliban không nghĩ sẽ thấy chúng tôi trên đường phố. Họ ngạc nhiên và không biết phải xử lý chúng tôi như thế nào", Taheri nói.
Những phụ nữ Afghanistan tham gia biểu tình đều thể hiện sự lo ngại rằng chính phủ do lực lượng Taliban sắp thành lập khó có thể bổ nhiệm nữ giới vào các vị trí lãnh đạo.
Mỹ, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã kêu gọi Taliban thành lập một chính phủ bao gồm phụ nữ và tôn trọng quyền của tất cả công dân Afghanistan.
Trong giai đoạn Taliban nắm quyền năm 1996 - 2001, lực lượng đã thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc, buộc phụ nữ che kín, không được đi học và không được ra ngoài đường nếu không có nam giới đi kèm.
Tuy nhiên, Taliban khẳng định sẽ thay đổi, cam kết tôn trọng quyền phụ nữ trong "khuôn khổ" luật Hồi giáo, dù nhiều người vẫn hoài nghi vào lời hứa này. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid tháng trước cho biết phụ nữ Afghanistan nên ở nhà do các thành viên lực lượng "chưa được đào tạo cách tôn trọng họ".
Ngọc Ánh (Theo Washington Post)