Manizha, 25 tuổi, con gái Najia, biết rằng Taliban lại tới. Bà Najia bảo con rằng họ lại được yêu cầu điều đã làm ba ngày trước, nấu cơm cho 15 tay súng. "Mẹ tôi bảo họ, 'Tôi nghèo lắm, lấy gì nấu cho các anh đây?'" Manizha kể lại. "Tay súng Taliban bắt đầu đánh mẹ tôi. Khi bà ngã xuống, họ lại lấy súng, AK47, quật vào người bà".
Manizha hét lên, yêu cầu dừng lại. Họ ngừng lại một lát trước khi ném lựu đạn vào phòng bên cạnh và bỏ chạy khi lửa lan rộng. Najia chết vì bị đánh. Vụ tấn công xảy ra hôm 12/7 tại tỉnh Faryab, là câu chuyện ớn lạnh về tương lai mà phụ nữ Afghanistan phải đối mặt sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Trong 10 ngày, lực lượng Taliban đánh chiếm hàng chục tỉnh lỵ đang trong cảnh dễ bị tổn thương bởi Mỹ và đồng minh rút quân. Tốc độ tiến công của Taliban khiến người dân mất cảnh giác. Một số phụ nữ cho hay không có thời gian mua burqa (áo trùm kín người) theo luật Hồi giáo Sharia hà khắc mà Taliban quy định với phụ nữ.
Với nữ giới Afghanistan, chiếc áo thể hiện sự mất mát và tàn khốc của những quyền lợi mà họ đạt được trong hơn 20 năm, đó là quyền làm việc, học tập, đi lại, thậm chí là sống trong hòa bình, những quyền mà họ lo sợ sẽ không bao giờ có lại.
Lần gần nhất Taliban kiểm soát Afghanistan là từ năm 1996 tới 2001. Họ đóng cửa trường nữ sinh, cấm phụ nữ làm việc. Sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001, hạn chế với phụ nữ được nới lỏng, ngay cả khi chiến tranh bùng nổ, chính quyền địa phương cũng cam kết bảo vệ quyền phụ nữ và được các tổ chức nước ngoài cũng như các nhà hảo tâm ủng hộ, đã tạo ra hành lang bảo vệ pháp lý mới.
Năm 2009, luật Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ đã hình sự hóa tội cưỡng hiếp, cưỡng ép kết hôn và cấm phụ nữ hay trẻ em gái làm việc hoặc học tập là trái phép. Farzana Kochai, người từng là thành viên quốc hội Afghanistan, chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi Taliban tiếp quản đất nước.
"Hiện chưa có thông báo rõ ràng về hình thức nhà nước trong tương lai, chúng tôi có quốc hội hay chính phủ không, chưa ai rõ", bà nói.
Bà cũng lo lắng về quyền tự do của mình trong tương lai với tư cách là phụ nữ. "Đây là điều khiến tôi băn khoăn nhiều hơn", Kochai nói. "Mọi phụ nữ đều đang suy nghĩ về điều này. Chúng tôi đang cố tìm kiếm một manh mối... liệu phụ nữ có được phép làm việc hay không?"
Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen hôm 16/8 tuyên bố dưới thời Taliban, trẻ em gái được phép đi học. "Trường học sẽ mở cửa với trẻ em gái và phụ nữ, họ sẽ được phép tới trường với tư cách là giáo viên và học sinh", Shaheen nói.
Nhưng những câu chuyện về người dân địa phương đang vẽ ra bức tranh khác, khiến người ta ngờ vực sâu sắc về Taliban, lực lượng đã gây ra sự khốn khổ cho trẻ em gái và phụ nữ trong lần nắm quyền trước.
Hồi tháng 7, Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan cho hay tại những khu vực do Taliban kiểm soát, phụ nữ không được phép đi khám bệnh mà không có đàn ông đi cùng. Tivi bị cấm, giáo viên và học sinh được hướng dẫn đội khăn xếp turban và để râu.
Các học giả tôn giáo, quan chức chính phủ, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và phụ nữ đã trở thành nạn nhân của các vụ giết người có chủ đích, theo ủy ban. Một trong số này là Mina Khairi, 23 tuổi, nữ phát thanh viên, thiệt mạng trong vụ đánh bom xe hồi tháng 6. Bố của cô, ông Mohammad Harif Khairi, đã mất vợ và một cô con gái khác trong vụ đánh bom, cho hay Mina đã bị dọa giết suốt nhiều tháng. Lần gần nhất Taliban kiểm soát Afghanistan, những phụ nữ không tuân thủ quy định đều bị đánh.
Taliban phủ nhận giết Najia, người mẹ 4 con ở tỉnh Faryab, nhưng lời của họ mâu thuẫn với nhân chứng và chính quyền địa phương. Một phụ nữ hàng xóm từng hét lên can ngăn cho hay nhiều phụ nữ trong làng của Najia là vợ góa của binh lính Afghanistan.
Họ sống nhờ bán sữa, nhưng Taliban "không cho phép buôn bán", bà cho biết. "Trong nhà không có đàn ông, chúng tôi có thể làm được gì? Chúng tôi muốn được đi học, được khám bệnh, được tự do như bao phụ nữ và đàn ông khác trên thế giới".
Taliban đánh chiếm Afghanistan nhanh tới nỗi một số phụ nữ không đủ thời gian mua trang phục theo đúng quy định của Taliban. Một người giấu tên cho hay trong nhà chỉ có một, hai bộ burqa nên cô, chị gái và mẹ phải mặc chung.
"Nếu tệ hơn, chúng tôi không có burqa để mặc, thì sẽ phải lấy ga giường hoặc thứ gì đó để may thành khăn trùm mặt cỡ lớn", cô nói.
Giá burqa đã tăng gấp 10 lần ở Kabul khi phụ nữ điên cuồng mua sắm trước khi Taliban tràn vào thành phố, theo một người dân Kabul. Một số không kịp tới chợ trước khi chợ đóng cửa hôm 15/8 vì các chủ quầy vội vã về nhà. Cô cho hay đã dành nhiều giờ tại ngân hàng hôm 15/8, rút nhiều tiền hết mức có thể để phòng thân, đưa gia đình vượt qua những ngày bấp bênh sắp tới.
"Không ai ngờ ngày này lại tới sớm như thế. Thậm chí người ta còn bảo, 'Ồ, Kabul có thể cầm cự được một năm hoặc lâu hơn', nhưng ý chí chiến đấu đã mất. Quân đội chỉ đang giao lại thành phố cho Taliban", cô nói.
Cô lo sợ cho cuộc sống của mình, cũng như sự sụp đổ của một chính phủ mà người dân đã đấu tranh vất vả để xây dựng và đạt được quyền tự do cho phụ nữ Afghanistan.
"Họ chỉ muốn giữ phụ nữ trong nhà. Chúng tôi đã mất nhiều năm đấu tranh để được ra ngoài, chúng tôi có cần chiến đấu một lần nữa để đạt được điều tương tự không? Để được phép đi làm, được phép đi khám bệnh một mình?" cô tự hỏi.
Trong 10 ngày qua, chiến thắng liên tục của Taliban tại hàng chục tỉnh lỵ đã đưa phụ nữ Afghanistan tới gần hơn với quá khứ mà họ không muốn lặp lại. Pashtana Durrani, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Learn, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giáo dục và quyền phụ nữ, cho hay đã khóc hết nước mắt cho quê hương.
"Tôi đã khóc rất nhiều, không còn nước mắt nữa. Chúng tôi đã để tang cho sự sụp đổ của Afghanistan từ lâu. Bây giờ tôi cảm thấy không ổn lắm, thấy vô cùng tuyệt vọng", Durrani nói.
Cô cho hay đã nhận được nhiều tin nhắn của học sinh nam và nữ, những người tuyệt vọng vì thành quả học tập những năm qua nay "chẳng còn gì". Durrani cho hay Taliban liên tục nói về giáo dục bé gái, nhưng họ không định nghĩa chính xác đó là gì. Giả sử các em được học về Hồi giáo, vậy còn "giáo dục giới tính thì sao? Còn giáo dục chuyên nghiệp thì sao?" cô nói. "Chỉ cần nghĩ tới đó thôi đã thấy tuyệt vọng rồi vì không tìm được câu trả lời".
Khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt mọi hành vi lạm dụng. "Luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền, đặc biệt là những quyền lợi của phụ nữ và trẻ em đã rất khó khăn mới đạt được, cần phải bảo vệ".
Trong cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul hôm 16/8, những người Afghanistan tuyệt vọng đã leo lên cầu hàng không, cố rời đất nước. Nhưng với hàng triệu người khác còn ở lại, họ không có lối thoát.
Cô gái Kabul dành nhiều giờ đi rút tiền hôm 15/8 cho hay dù có tìm thấy chuyến bay, không có visa cô cũng không đi đâu được. Lựa chọn duy nhất lúc này là ở yên trong nhà, tránh gây chú ý.
"Đi ra ngoài hoặc làm bất kỳ việc gì đều nguy hiểm tính mạng", cô nói.
Khi Mỹ và đồng minh sơ tán nhân viên, Patricia Gossman, phó giám đốc Tổ chức Quan sát Nhân quyền chi nhánh châu Á, kêu gọi các nhà hảo tâm quốc tế đừng bỏ rơi Afghanistan.
"Rất nhiều người không thể ra ngoài và cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp các dịch vụ thiết yếu như giáo dục", Gossman nói. "Nếu bây giờ các nhà hảo tâm nói rằng 'Chúng ta đã xong việc ở Afghanistan' là họ đã sai thời điểm".
Phụ nữ khắp Afghanistan đang sống trong sợ hãi, lo ngại nghe thấy tiếng gõ cửa tương tự mà Najia nghe thấy tháng trước. Con gái bà, Manizha, cho hay không quay về nhà từ khi mẹ chết. Cô cũng không hay ra ngoài như trước.
"Taliban không cho bất kỳ người phụ nữ nào ra ngoài mà không có người nhà là đàn ông đi cùng. Chỉ đàn ông mới được phép ra ngoài. Họ có thể đi làm", Manizha nói. "Nếu tôi cần thứ gì đó, tôi phải làm thế nào? Thể nào tôi cũng bị trừng phạt. Nhưng kiểu này không đúng với giá trị của đạo Hồi. Họ tự nhận mình là người Hồi giáo. Họ không có quyền trừng phạt phụ nữ".
Hồng Hạnh (Theo CNN)