Cái cảm giác chộn rộn ngay khai trường khi tôi học tiểu học, trung học ở Hà Nội như vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí. Vậy mà tôi cũng đã đi dự khai giảng cho con, đứa lớn rồi đứa bé, giờ đây là đưa đứa cháu nội thứ hai. Năm nay cháu vào lớp vỡ lòng.
Hai thằng cháu đều trong cấp tiểu học, nhưng ở quận Montgomery, bang New Jersey này. Tiểu học chia làm hai nấc trường: vỡ lòng, lớp một, lớp hai là một nấc, các lớp còn lại sang trường khác. Giữa hai nấc ấy không thi cử gì. Cho nên hai thằng cháu lít nhít vậy mà mỗi đứa mỗi nơi.
Đưa cháu vào trường. |
Ở đây hiếm thấy hình ảnh các cô, các cậu học trò tung tăng cắp sách đến trường, vì các cháu được đưa đón bằng xe buýt.
Hôm khai giảng, học trò được xe buýt đón. Phụ huynh đi xe của mình. Tôi cũng theo các con đến xem cháu vào lớp. Tôi nói đến xem mà không đến dự vì trường không làm lễ khai giảng. Không đón tiếp khách khứa hay nghi thức gì cả, việc chính là đón học trò nên tất cả đều đứng ở ngoài đường. Phụ huynh đến đông, bãi đậu xe quanh trường kín chỗ.
Ông Hiệu trưởng và ông cán bộ cấp trên, kiểu như Trưởng phòng Giáo dục, cũng đứng trò chuyện ở hè, họ thường xuyên gật đầu chào đáp lễ phụ huynh. Xe chở học sinh từ các ngả nối đuôi nhau dừng bánh. Các vị phụ huynh có lẽ đông hơn học sinh cũng nhanh chóng quây quanh. Ai cũng máy ảnh, máy quay phim hồi hộp săn đón ghi lại bước chân đầu tiên của con cháu mình trên đường học vấn.
Các phó nháy gia đình vốn tận tâm chạy trước lùi sau, vui hơn cả con trẻ đi học. Các cháu bé vai đeo ba lô gọn gàng, lần lượt bước xuống. Nét long trọng lại ở trên gương mặt bố mẹ đứng nhìn con, có lẽ đón con từ vũ trụ trở về chắc cũng chỉ đến thế thôi.
Các cháu lần đầu đến trường mà khá đĩnh đạc, tự tin, liếc mắt nhìn bố mẹ chút xíu, rồi thản nhiên theo chân các bạn. Thầy Hiệu trưởng ra tận cửa xe đón học trò. Ông là người duy nhất mặc lễ phục, thân mật và trân trọng. Bước đầu tiên đến trường, các em đã gặp bàn tay đón đỡ của chính thầy Hiệu trưởng theo đúng nghĩa đen. Các thầy cô, trên ngực cài một hình hoa có ghi tên thầy cô và tên lớp, cũng đã ra đón trò của lớp mình. Các cháu theo chân thầy cô vào lớp, phụ huynh đi kèm bên.
Trong các hành lang rộng chạy giữa hai dãy phòng học hoặc nối từng khu nhà được trang trí tranh, hoa như một phòng triển lãm dài. Ở lớp vỡ lòng, các em ngồi quây trên thảm chờ nhau. Bàn ghế ngồi học kê như ở tiệm ăn, bốn năm ghế xoay quanh một bàn. Có phòng để đồ chơi, có tủ riêng từng ngăn cho mỗi em để áo, sách ngay cạnh cửa vào.
Tôi ngó vào lớp, thấy thằng cháu ngồi cùng bốn bạn da trắng, hai bạn da đen, một bạn da vàng và một bạn da nâu Ấn Độ. Các cháu vẫn đang còn lạ lẫm nhìn nhau. Hôm ấy cháu về khoe là cô dặn không được bảo bạn ngu và không được xô vào bạn. Nội dung ấy kể cũng đáng là bài tập đầu tiên của mỗi đời người.
Khai giảng chỉ vậy, không họp, không đón khách, không diễn văn, chỉ là đón học trò. Trước khai giảng, nhà trường đã gặp cha mẹ học sinh ở từng lớp vào một buổi tối nói quan điểm giáo dục, cách dạy và cách học.
Tiểu học học như vui chơi. Bài làm không cho điểm vì giỏi - dốt sẽ còn thay đổi. Điều cần bây giờ là các em có học bài, có làm bài. Cho điểm thì các em sẽ thích điểm cao mà không tự làm bài.
Lớp học của bé. |
Trò học được vài tuần thì cô giáo họp phụ huynh, không gặp cả lớp mà gặp riêng bố mẹ của từng em để nhận xét về từng trò và tìm cách dạy phù hợp cho từng đứa. Lớp có 20 trò, nhiều hơn thì cũng khó mà thực hiện được những việc này.
Nhà trường tạo nhiều cơ hội để bố mẹ lần lượt đến lớp tham gia trang trí, sắp xếp hoặc dự trò chơi cùng thầy trò. Ngày hội hóa trang, bố mẹ đến dự với các con, làm khán giả của chúng. Thỉnh thoảng trường còn mời gia đình tới xem các cháu biểu diễn văn nghệ hoặc xem triển lãm tranh các cháu vẽ. Những dịp ấy các gia đình đều tới tham dự rất đông.
Một con học mà cả nhà đi. Nề nếp này dễ thực hiện mà tạo cho trẻ niềm vui và lòng tự tin rất lớn. Học nhàn thế mà khi đi họp phụ huynh thầy cô giáo còn dặn bố mẹ đừng bắt các cháu làm thêm bài.
Ở các lớp sơ học (vỡ lòng, lớp một, lớp hai) trẻ được dạy về kỹ năng sống hơn là chữ nghĩa, tính toán. Tôi đã thấy bài về nhà của học sinh lớp một: thực hành "phỏng vấn" mà trò chỉ phải điền con số lên tờ bài làm đã in sẵn. Ấy là hỏi cả nhả xem hôm đó áo của mỗi người có bao nhiêu cái khuy. Người trả lời phải có chữ ký.
Học về quả bí ngô thì các em được đi thăm trang trại cả một ngày. Cô giáo vừa gửi về cho phụ huynh xem quyển tranh của các trò trong lớp: mỗi em vẽ thành tranh việc làm mà em thích. Các em tự "vẽ" tên mình và được cô viết lại để bố mẹ nhận ra con. Quyển sách vẽ ấy chưa cho thấy tài năng hội họa nhưng thấy được tâm lý, nguyện vọng và kiểu nghĩ của em.
Trẻ con học được nhiều thứ, nhất là ở các bảo tàng. Ở Mỹ có cái hay là nơi nào cũng có bảo tàng và lĩnh vực nào của đời sống cũng có bảo tàng. Bảo tàng của nhà nước, của trường đại học, của các hãng kỹ thuật, các nơi giải trí, cả tư nhân. Các bảo tàng về chim, cá, thú... là những thứ trẻ con thích thì địa phương nào cũng có.
Các biển giao thông, luật đi đường cũng được học sớm từ dễ đến khó. Cái khéo là tạo được cơ hội vận dụng. Học địa, học sử, học khí hậu trước hết là học của chính khu mình ở. Trẻ lớp hai đã biết chuyện về vị tổng thống đầu tiên, ý nghĩa lá cờ, hệ mặt trời, các hành tinh, loài khủng long, người cổ đại...
Một thứ kiến thức cơ bản rất đại cương, nhưng đủ cho con người dù bé cũng hiểu được mối tương quan của mình với xung quanh. Kiến thức ấy tan vào các trò chơi, các quân bài, phim, truyện tranh, truyện kể. Sách giáo khoa khác nhau ở từng bang, có thể khác nhau ở từng trường. Cách dạy càng biến hóa.
Ngồi trên ghế nhà trường chỉ học cái gì cần cho cuộc sống, cuộc sống tức thời và làm nền cho cuộc sống tự học sau này. Cái gì chưa cần thì tước bỏ, không học để tích kiến thức, vất vào kho trí nhớ. Trước khi giải bài toán thì phải biết bài toán ấy sẽ giúp được những việc gì. Có lẽ vì thế, trẻ con học nhàn mà khi lớn lại làm được việc.
Vũ Quần Phương, theo Sức khỏe & Đời sống