Anh Lam, 38 tuổi, ngụ ở phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP HCM, đứng ngồi không yên khi biết thành phố sẽ dạy trực tuyến thời gian đầu năm học. Từ giữa tháng 6, anh cho con về nhà ông bà nội ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai tránh dịch. Một tháng sau, anh nhiều lần muốn đón con về lại TP HCM, nhưng không có cách nào do thành phố liên tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
"Học trực tuyến phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh, nhưng ông bà ở quê không có. Nếu có thiết bị chăng nữa cũng cần ba mẹ kèm. Ông bà già yếu, lại không rành công nghệ không thể làm thay", anh Lam giải thích.
Phương án học trực tuyến bị gạt bỏ, anh nghĩ tới việc xin cho con học tạm một trường tiểu học ở quê, nhưng rồi cũng không thể. Con anh vốn nhút nhát, không quen bạn bè nên không chịu học. Chưa kể trường xa nhà, ông bà đưa đón trong mùa dịch này cũng bất tiện. "Có lẽ tôi sẽ cho con tạm nghỉ học, chờ khi nào có thể cho cháu trở lại thành phố sẽ học muộn. Tôi mong thành phố có giải pháp cho học sinh kẹt ở quê trở lại thuận tiện để kịp năm học", anh nói.
Cùng tâm trạng với anh Lam, chị Ngô Thị Thúy Hằng, 30 tuổi, phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, TP Thủ Đức, sốt ruột hơn một tuần nay khi con học lớp 2 kẹt ở Bình Định. Vợ chồng chị làm nghề kinh doanh vật liệu, gần hai tháng nay phải đóng cửa vì giãn cách xã hội. Mất thu nhập nhưng gia đình chị vẫn may mắn hơn nhiều người vì không lâm vào cảnh túng thiếu.
Máy tính, thiết bị cho con học online ở quê đầy đủ, nhưng ông bà ngoại không thể giúp đỡ. Bởi ngoài chuyện phải rành công nghệ, người lớn phải có kinh nghiệm kèm cặp trẻ học trực tuyến. "Tôi tính cho con nhập học ở quê, họ đồng ý rồi. Tôi đang chờ trường ở thành phố hướng dẫn thủ tục chuyển trường để khi hết dịch con có thể trở về và vào học ngay", chị Hằng nói.
Xin học tạm cũng là cách của nhiều phụ huynh TP HCM khi con đang ở quê, nhưng chỉ áp dụng được với nơi dịch tạm lắng. Một số người quê ở vùng dịch căng thẳng như Bình Dương, Long An... lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi các tỉnh này cũng dạy học trực tuyến, hoặc lùi thời gian năm học.
"Năm ngoái khi học trực tuyến vài tuần, có ba mẹ chỉ bảo mà bé không tập trung, tiếp thu không được mấy. Bây giờ ở với ông bà sẽ càng khó khăn hơn, học online là không thể", một phụ huynh quê Bình Dương giải thích.
Không thể cho con học trực tuyến ở quê lẫn TP HCM, nhiều phụ huynh chấp nhận cho con vào học muộn. Nếu dịch diễn biến phức tạp đến cuối năm, họ quyết định cho con học trễ một năm.
Ở chiều ngược lại, một số học sinh lại "mắc kẹt" tại TP HCM, không thể về quê học tập. Anh Bùi Quang Trọng, 47 tuổi, ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức, có ba đứa con, bé lớn nhất học lớp 5, bé thứ hai học lớp 2 và bé út học mẫu giáo. Do Covid-19, vợ chồng anh thất nghiệp suốt nhiều tháng nay, số tiền tích cóp bao năm qua phải mang ra trang trải tiền thuê nhà và sinh hoạt gia đình.
"Đã ở Sài Gòn hơn 20 năm, bây giờ cuộc sống khó khăn quá, cứ mãi thế này sẽ không trụ nổi. Tôi đã quyết định chuyển cả gia đình về Đăk Lăk, nơi lập nghiệp khi gia đình mới chuyển từ Bắc vào, nhưng bây giờ lại không về kịp để vào năm học mới", anh Trọng chia sẻ.
Ở Đăk Lăk, một trường tiểu học đã chấp nhận các con vào học. Trong thời gian chờ đợi hết giãn cách xã hội, vợ chồng anh cho con học trực tuyến tại trường cũ. Cũng như nhiều gia đình lao động tự do khác, sách vở, thiết bị học tập đầu năm thiếu thốn đủ thứ. Vừa lo ăn từng bữa, vừa tìm cách bám trụ trong thời điểm khó khăn, việc học cho con với anh lúc này là thứ yếu.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo một quận tại TP HCM cho biết, chưa có thống kê chính thức, nhưng ở các trường, nhất là cấp tiểu học, đều có một vài em đang ở quê. Nhiều em cả gia đình đều ở trong vùng dịch từ cuối tháng 6-7, không thể trở lại TP HCM lúc này. "Nếu phụ huynh tìm được trường học ở quê thì chúng tôi sẽ giải quyết thủ tục online nhanh chóng. Khi hết dịch, các trường cũng sẵn sàng đón các cháu trở lại", ông cho biết.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho hay, Sở đang phối hợp với các địa phương để đăng ký và làm thủ tục chuyển trường tạm cho học sinh theo học tại trường nơi cư trú. Khi dịch được kiểm soát, các em sẽ quay về học bình thường. "Ngược lại, với học sinh các tỉnh, thành đang kẹt tại thành phố chưa thể về quê đi học, chúng tôi cũng sẵn sàng bố trí cho các em học online để theo kịp chương trình nếu có nhu cầu", ông Hiếu nói.
Đến tối 24/8, TP HCM ghi nhận 184.872 ca Covid-19 trong đợt bùng phát dịch thứ tư và đã trải qua 46 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ ngày 23/8 đến 6/9, thành phố siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó", chỉ cấp phép giấy đi đường cho một số nhóm công việc nhất định.
>>Kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 tại TP HCM
>>3 kịch bản cho năm học mới tại TP HCM