Buổi học đầu tiên của hai con gái chị Hương, đều là học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng, quận 12, diễn ra cùng lúc chiều 20/9. Nhà không có máy tính, vợ chồng chị phải nhường điện thoại cho con. Chị mở loa ngoài để con không phải đeo tai nghe nên bố trí bé út trên gác trọ, bé lớn ở gian dưới để tránh gây ồn.
Quen việc học trực tuyến từ năm ngoái nên bé lớp 2 khá tự giác, chị Hương chỉ thỉnh thoảng ngó qua nhắc nhở. Trong khi đó, con gái út chưa quen cách học này nên xị mặt, vùng vằng khi mẹ yêu cầu tập trung.
"Từ hôm tựu trường đến nay, cháu có 3 buổi làm quen với cô giáo, bạn bè và cách học online, nhưng mấy hôm đó còn được thoải mái. Hôm nay vào học chính thức, phải ngồi ngay ngắn nên cháu khó chịu, không ngồi được lâu", chị Hương kể.
Học trên điện thoại bất tiện bởi màn hình bé, nhiều bài có hình vẽ hoặc chữ hiện lên không rõ. Thấy con dí sát mắt vào màn hình, đôi khi phụng phịu, thương con mà chị không biết làm thế nào. Hơn hai tháng qua, vợ chồng chị Hương thất nghiệp, chi tiêu sinh hoạt phụ thuộc vào chút tiền dành dụm và trợ cấp từ chính quyền. Chạy ăn từng bữa còn khó nên chị không thể mua máy tính cho con.
Bù lại, người mẹ tận dụng khoảng thời gian thất nghiệp ở nhà để dạy con học chữ cái và con số - nội dung lẽ ra trẻ được dạy ở lớp lá. Đến nay, con út biết hết mặt chữ và biết đếm, nắm được nội dung bài học đầu tiên của môn Toán và Tiếng Việt. "Hai năm học trực tuyến cùng con, phần nào tôi đã thuộc bài nên chỗ nào con không hiểu, tôi có thể giảng lại. Tuy nhiên, việc học trên lớp rất quan trọng vì thầy cô mới có nghiệp vụ dạy đúng cách nên tôi phải cố theo", chị nói.
Trong tiết học, chị phải chạy hai nơi. Đến giờ làm bài tập tại nhà, chị cho hai con ngồi cùng chỗ để tiện chỉ bảo. Sau mỗi buổi học cô giáo đều gửi việc cần làm và thời khóa biểu hôm sau. Làm xong mọi việc thì ba mẹ con cũng mệt rã rời.
Ở những gia đình có điều kiện kinh tế ổn hơn, máy tính, điện thoại đầy đủ, phụ huynh cũng toát mồ hôi khi con kém tập trung, không thích học. Ngồi cùng con buổi học chính thức đầu năm, chị Lê Thị Huyền, 34 tuổi, phụ huynh trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn (quận 3) bơ phờ vì bé hiếu động.
Qua hai tuần làm quen trực tuyến, con trai chị tập dần thói quen dậy đúng giờ và các thao tác trên lớp online. Tuy nhiên, những buổi này khá thoải mái vì cô giáo chỉ trò chuyện, cho các bé làm quen với nhau, có thể cười đùa, nói chuyện. Đến khi học chính thức, phải ngồi ngay ngắn, giữ trật tự, cậu bé tỏ ra khó chịu.
Có khiếu học Toán, biết đếm từ sớm nên những bài học đầu tiên trong sách giáo khoa trở nên nhàm chán với cậu bé. Buổi sáng, khi xem các video bài giảng được ghi hình sẵn của cô, bé vừa ngồi vừa lắc lư thân mình. Bị mẹ nhắc tập trung, bé lấy giấy gấp thuyền, máy bay. Đến chiều, khi cô giảng bài trên Google Meet nội dung đã phát buổi sáng, cậu bé có vẻ hào hứng hơn nhưng rồi cũng chóng chán, thỉnh thoảng xin mẹ nghỉ một chút.
Tuy nhiên, khi được cô giáo gọi tên trả lời câu hỏi hoặc nhận xét bạn trả lời, cậu trở nên sôi nổi. Mỗi lần trả lời đúng, được cô thưởng điểm bằng hình con vật ngộ nghĩnh, cậu bé lại thêm hăng hái. "Điều này giúp tôi nhận ra nên có cách cho con thích học một cách tự nhiên, kích thích sự thích thú học tập thay vì ép buộc hay gò bó một cách nghiêm khắc", chị nói.
Cũng như nhiều phụ huynh, chị Huyền lo con bị hổng kiến thức do lớp lá trước đó học muộn, kết thúc sớm. Nhiều kỹ năng mang tính cơ bản như phân biệt trên, dưới, phải trái, nhiều bé vẫn nhầm lẫn. Học online lại thêm thiệt thòi cho trẻ bởi chất lượng tiếp thu kiến thức không cao.
"Dù gì tôi vẫn ủng hộ và cố gắng cho con học trong thời gian này vì có học vẫn hơn không. Tôi không đặt nặng mục tiêu phải học giỏi, biết nhiều mà quan trọng là con duy trì cảm giác, kích thích sự ham học cho con", chị Huyền cho biết.
Cùng kèm con học lớp 1 trực tuyến, nhiều phụ huynh khác cũng chật vật vì vừa lo việc cơ quan, vừa đôn đốc con học nghiêm túc. Có bé nằm dài giẫy giụa khi vào lớp được ít phút. Có em lại táy máy mở trò chơi hoặc video hoạt hình xem nếu bố mẹ rời mắt.
Một số phụ huynh khá nhàn khi con trẻ tập trung, học ở trường tư chất lượng cao, sĩ số ít. Chị Phan Thu Hoài, phụ huynh một trường quốc tế TP Thủ Đức, cho biết con trai có hơn 2 tháng làm quen ở trường trước ngày học chính thức. Lớp học gần 20 học sinh được chia làm hai ca nên sự tương tác giữa cô trò khá tốt. Nhờ ít học sinh, cô giáo kiểm soát lớp học tốt hơn, trẻ cũng tập trung hơn.
"Mấy tuần đầu cũng chật vật lắm, gọi được bé dậy sớm cũng là vấn đề. Bây giờ thì quen nếp rồi, buổi sáng ăn uống xong là con tự giác ngồi vào bàn học", chị kể. Mỗi sáng, con chị Hoài học 4 tiết, mỗi tiết 30 phút. Trừ tiết tiếng Anh bé không hào hứng do còn lạ lẫm, các tiết Toán, Tiếng Việt đều học khá tốt.
Còn chị Đỗ Yến Hoa, phụ huynh trường Tiểu học Lương Thế Vinh, TP Thủ Đức đánh giá cao việc tinh gọn tiết học lớp 1 và 2 còn 20-25 phút của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Việc này vừa vặn với sức tập trung của trẻ, nhờ đó con chị và nhiều bạn trong lớp thấy thoải mái hơn. "Tôi ngồi kèm con học liên tục nhưng cảm thấy khá nhẹ nhàng, có thể tranh thủ làm việc", người mẹ chia sẻ.
Tuần này, hơn 680.000 học sinh tiểu học TP HCM bắt đầu chương trình năm học mới bằng hình thức trực tuyến sau hai tuần được hướng dẫn, làm quen cách học. Nhà trường đa dạng hình thức dạy, phổ biến là gửi thời khóa biểu với bài giảng E-learning để phụ huynh cho con học trước. Tiếp đó, giáo viên giảng bài trực tuyến, tương tác, giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Ngoài việc học online, học sinh lớp 1 và 2 có thêm các video bài giảng trên hệ thống giáo dục trực tuyến của thành phố hoctructuyen.hcm.edu.vn và chương trình dạy học trên truyền hình.
Hồi cuối tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn nhà trường ưu tiên dạy môn Tiếng Việt và Toán cho trẻ lớp 1 để giúp hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, tính toán. Đối với học sinh lớp 3, 4 và 5, Bộ yêu cầu các trường sử dụng kho học liệu sẵn có và bổ sung để dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.