Là một người đã đi làm, tôi có nhu cầu học ngoại ngữ để nâng cao trình độ, tìm nhiều cơ hội mới. Tôi từng một trung tâm ngoại ngữ để tìm hiểu, bạn nhân viên liên tục hối thúc đóng tiền vì "khóa học mau hết chỗ lắm, anh đăng ký trễ sợ không còn chỗ, phải chờ đến khóa sau".
Lúc hỏi học phí, vì bạn nhân viên nhanh nhảu: "Đóng học phí cả năm giá rẻ hơn một khóa".
Hai mức giá mà bạn nhân viên đưa ra xem qua thì có rẻ thật. Nhưng khi tôi hỏi nếu học vài tuần cảm thấy không hợp thì giải quyết thế nào? Bạn nhân viên không trả lời được. Tôi không vội đóng tiền và đi tìm hiểu tư vấn ở một trung tâm khác vì tôi đã thấy mùi rủi ro. Tôi đi tìm hiểu ở trung tâm khác, rốt cuộc sau này học riêng với giáo viên tiếng Anh tự do kèm 1:1.
Chẳng bao lâu sau, tôi thấy nhiều bài "bóc phốt" trung tâm đó lên mạng làm ăn bát nháo. Nếu đi mua hàng, tôi đã trúng bẫy của trung tâm đó, vì chiêu trò "sỉ rẻ hơn lẻ".
Kinh doanh giáo dục là một ngành béo bở, nhất là mở những trung tâm tiếng Anh, trường gắn mác quốc tế: Theo số liệu do The Economist công bố, năm 2018, người dân chi trả cho giáo dục tại Việt Nam lên 9 tỉ USD, tăng mạnh tính từ năm 2000 đến nay. Còn từ sau dịch Covid-19, kinh tế có phần khó khăn, các gia đình thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn đầu tư số tiền lớn cho giáo dục của con em.
Hiểu được tâm lý không tiếc tiền cho con học này, một số người kinh doanh giáo dục đã nghĩ ra cách huy động vốn kiểu "mượn đầu heo nấu cháo", đóng học phí sỉ. Như gần đây, vụ lùm xùm lại một trường quốc tế và việc chủ một chuỗi trung tâm tiếng Anh bị bắt, giọt nước đã tràn ly.
Có thể, do đã tốn nhiều tiền vào đầu tư hạ tầng, thuê mặt bằng, nên để có nguồn tiền duy trì vận hành, trả lương giáo viên, họ cần huy động tiền, bằng thỏa thuận miễn giảm học phí, bằng cách thu tiền các khóa học tương lai... Một số người cho rằng công ty đem tiền này đi đầu tư ngoài giáo dục.
Điều này có thể không sai, pháp luật cũng chưa quy định rõ ràng, nhưng một khi không xoay được dòng tiền, mọi lời hứa với phụ huynh đều trở nên viển vông.
Làm giáo dục, quan trọng nhất là chữ tín, phụ huynh tin tưởng, mong muốn con em gắn bó với trường lớp, trung tâm lâu dài nhưng đã bị mất niềm tin ở một số vụ lùm xùm như vừa qua. Chưa kể, chất lượng giảng dạy có đúng với cam kết hay không, cũng là một vấn đề.
Hàng tỷ đồng của phụ huynh có nguy cơ biến mất, không đòi lại được. Kế đến là gây ảnh hưởng đến những nhà đầu chân chính khi họ làm giáo dục, những người đặt lợi nhuận "con người" hơn là tiền bạc.
Phương Lãm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.