Tại Đại hội lần thứ 13 ngày 1-3/12, PGS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế, nêu đặc thù lao động muốn có chứng chỉ hành nghề và đi làm tại các cơ sở y tế phải mất gần 8 năm, gồm 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp. Thời gian học gấp đôi so với cử nhân ngành khác, nhưng khi ra trường, tiền lương, ngạch bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.
Bà Bình kiến nghị Chính phủ nâng mặt bằng tiền lương khởi điểm của lao động ngành y mới ra trường; bác sĩ y học dự phòng xếp lương bậc 2 với tất cả chức danh.
Ngoài ra, phụ cấp trực của nhân viên y tế công lập ngày thường 18.750 đồng, 25.000 đồng ngày trực 24/24h, duy trì từ năm 2012 khi lương cơ sở 830.000 đồng mỗi tháng đến nay là "quá thấp, không còn phù hợp". Công đoàn Y tế đề nghị nâng phụ cấp theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng thực hiện từ tháng 7/2023.
Công đoàn Than - Khoáng sản (TKV) đề nghị Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi điều chỉnh quy định để thợ hầm lò đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 35 năm vẫn được hưởng lương hưu tối đa 75%. Luật hiện hành quy định thợ hầm lò thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, được nghỉ hưu sớm 10 năm so với tuổi quy định. Theo lộ trình tăng tuổi hưu, nhóm này có thể hưởng hưu trí ở tuổi 52 vào năm 2028, đóng 35 năm BHXH mới được hưởng tối đa 75%.
"Muốn nghỉ hưu ở tuổi 52 mà không bị trừ tỷ lệ hưởng 2% cho mỗi năm nghỉ sớm, thợ hầm lò phải đi làm từ năm 17 tuổi. Trong khi ở tuổi này họ còn chưa học xong cấp 3", bà Nguyễn Thị Minh, Phó chủ tịch Công đoàn TKV nêu thực tế, thêm rằng phần lớn thợ hầm lò không có cơ hội đạt hưu trí tối đa. Bởi đến tuổi 50, xương khớp, sức khỏe đã giảm sút đáng kể.
Công đoàn TKV cũng cho rằng đánh thuế thu nhập cá nhân mức 11 triệu đồng, giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng không còn phù hợp thực tế, nhất là với nơi có mức sống cao như Quảng Ninh. Hiện thu nhập của thợ hầm lò dao động 20-30 triệu đồng mỗi tháng, vì môi trường làm việc rủi ro cao, thiếu sáng, thiếu không khí. Thu nhập này phải chịu thuế suất cao, đặc biệt với thợ lò không có người phụ thuộc.
Bà Minh đề nghị Quốc hội bổ sung các khoản chi phí thực tế mà người lao động phải chịu để giảm trừ thuế, nâng mức tính thuế cá nhân cho thợ lò ít nhất 15 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh thấp nhất 6 triệu đồng để họ có thêm chi phí cho con cái học hành, tích lũy cho mai sau.
Các kiến nghị của người lao động cả nước được Công đoàn Việt Nam tập hợp, chuyển tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó xem xét bổ sung hai ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh; nghiên cứu giảm giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp dưới 48 tiếng mỗi tuần, dần bằng với khu vực công; thêm chính sách đặc thù giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn...
Công đoàn Việt Nam kiến nghị các cấp thẩm quyền khi xây dựng, sửa đổi dự án luật cần lấy ý kiến rộng rãi người chịu tác động trực tiếp, để lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng mà họ đóng góp trong 40 năm đổi mới.
Hồng Chiêu