Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 19/4/2018, 19:00 (GMT+7)

Trận địa phòng không Syria đáp trả đòn không kích của liên quân Mỹ

Bộ đôi Buk-M2E và Pantsir-S1 tham gia đánh trả cuộc tấn công của tên lửa Mỹ và đồng minh, bên cạnh những tổ hợp từ thời Liên Xô như S-125 và S-200.

Bộ Quốc phòng Syria hôm 17/4 công bố hình ảnh hoạt động tại sân bay Mezzeh, một trong những trận địa phòng không chính bảo vệ thủ đô Damascus. Đây là nơi được bố trí các tổ hợp Buk-M2E và Pantsir-S1 hiện đại nhất của phòng không Syria, Livejournal đưa tin.

Trong ảnh, xe chiến đấu Pantsir-S1 được trang bị hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động hai mặt SOTS, biến thể mạnh nhất của tổ hợp phòng không này.

Bên trong tổ hợp phòng không Syria đánh chặn tên lửa Mỹ
 
 

Hoạt động tại căn cứ phòng không Syria sau trận đánh ngày 14/4.

Các ống chứa tên lửa 57E6 được tập hợp ở một góc sau trận đánh.

Mỗi xe chiến đấu Pantsir-S1 mang được 12 tên lửa 57E6, có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km. Quân đội Syria bắt đầu nhận bàn giao các tổ hợp Pantsir-S1 từ năm 2012. Tới nay, có ít nhất 50 xe chiến đấu Pantsir-S1 đã được nước này đưa vào biên chế.

Màn hình và máy tính điều khiển trên xe chiến đấu Pantsir-S1.

Mỗi xe chiến đấu có thể bám bắt bắt đồng thời 20 mục tiêu, điều khiển 4 tên lửa để cùng lúc tấn công hai mục tiêu. Trên lý thuyết, tổ hợp này có thể diệt tối đa 12 máy bay hoặc tên lửa trong vòng một phút.

Ngoài Pantsir-S1, Syria cũng sở hữu hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E hiện đại do Nga sản xuất. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Damascus đã tiếp nhận từ Nga 5 tiểu đoàn Buk-M2E với tổng trị giá một tỷ USD trong giai đoạn 2010-2013.

Trong ảnh, xe bệ phóng và nạp đạn 9A316 của tổ hợp Buk-M2E với hai quả tên lửa đã được phóng cơ động khỏi trận địa sau khi chống trả cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp.

Mỗi tổ hợp Buk-M2E có thể tấn công tối đa 24 mục tiêu cùng lúc trên nhiều hướng khác nhau. Trong đó, xe 9A316 vừa có nhiệm vụ nạp đạn cho các xe chiến đấu, vừa có thể trở thành bệ phóng độc lập trong trường hợp cần thiết.

Xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A317E được lắp 4 quả đạn tên lửa có tầm bắn tối đa 45 km, sử dụng nhiên liệu rắn với tốc độ tối đa 4.940 km/h. Ngoài các loại máy bay và tên lửa hành trình bay thấp, tổ hợp Buk-M2E cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách 20 km.

Mỗi xe TELAR được trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn 9S36E để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm. Trong ảnh là xe 9A317E ở trạng thái trực chiến.

Sĩ quan chỉ huy khẩu đội Buk-M2E trong khoang điều khiển.

Các hệ thống Buk-M2E và Pantsir-S1 đều được kết nối với mạng lưới phòng không thống nhất, cho phép chia sẻ dữ liệu tác chiến với các tổ hợp tên lửa đời cũ, cũng như nhận tin tình báo và tham số mục tiêu từ radar tầm xa.

Trong ảnh, một đài chỉ huy của lực lượng phòng không Syria.

Ảnh: Livejournal