Thứ bảy, 4/1/2025
Thứ sáu, 9/12/2016, 19:00 (GMT+7)

Những chiến hạm hồi sinh từ tro tàn tại Trân Châu Cảng

Bất chấp thiệt hại nặng trong cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng, Hải quân Mỹ đã hồi sinh nhiều tàu chiến quý giá.

Ngày 7/12/1941, hải quân và không quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng, khiến Mỹ thiệt hại nặng nề về người và trang bị vũ khí.

USS West Virginia (BB-48) là một trong số các tàu chiến bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc tấn công, sau khi trúng 7 quả ngư lôi ở mạn trái và nhiều quả bom ở boong tàu. Sau đó, nó ngập trong biển lửa lửa từ tàu USS Arizona bên cạnh và chìm xuống đáy vịnh.

Sau cuộc tấn công, USS West Virginia được bơm hết nước và nổi lên mặt biển, các lỗ thủng được hàn lại. Con tàu lên đường tới quân cảng Puget Sound ở Washington để sửa chữa toàn diện, trước khi trở lại biên chế vào tháng 7/1944.

USS Tennessee (BB-43) chỉ trúng hai quả bom, nhưng nó bị kẹt giữa cầu tàu và một thiết giáp hạm bị chìm trong vòng hơn một tuần. Hải quân Mỹ mất hai tháng rưỡi để sửa chữa con tàu và đưa nó trở lại biên chế. USS Tennessee trở thành một trong các thiết giáp hạm chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương cho tới hết cuộc chiến.

USS Nevada (BB-36) là thiết giáp hạm duy nhất không neo tại cầu cảng trong cuộc tấn công. Điều đó cho phép nó cơ động liên tục trong trận đánh, trước khi trúng 6 quả bom và một ngư lôi của Nhật. Tàu bị hư hỏng nặng và mắc cạn.

Sau khi được sửa chữa tạm thời để ra biển, USS Nevada tới cảng Puget Sound để đại tu. Hải quân Mỹ tái biên chế tàu vào tháng 10/1942. Nó trở thành soái hạm của chiến dịch D-Day tấn công bờ biển Normandy, Pháp năm 1944. Để kỷ niệm sự phục vụ tận tụy của USS Nevada, quân đội Mỹ đã biến nó thành mục tiêu của vụ thử bom hạt nhân đầu tiên tại quần đảo Bikini năm 1946.

USS California (BB-44) bị trúng hai quả bom và ngư lôi, khiến nó chìm xuống đáy vịnh, bất chấp nỗ lực kiểm soát thiệt hại kéo dài 3 ngày của thủy thủ đoàn. Chỉ 3 tháng sau, tàu được trục vớt và đưa đi sửa chữa, sau đó trở lại biên chế hạm đội vào tháng 1/1944.

USS Maryland (BB-46) được che chắn khỏi ngư lôi bởi thiết giáp hạm USS Oklahoma, nhưng vẫn bị trúng hai quả bom xuyên giáp trong cuộc tấn công. Tàu lết tới cảng Puget Sound vào cuối tháng 12/1941 và trở lại hoạt động sau đó hai tháng.

USS Downes (DD-375) đang nằm trong xưởng cạn khi quân Nhật tấn công. Một quả bom cháy đã phát nổ sát thùng nhiên liệu, gây nên một vụ cháy khủng khiếp. Thân tàu bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng các bộ phận khác vẫn có thể cứu được. Chúng được đưa tới bang California để sử dụng trên một tàu khu trục mới có cùng thiết kế, mang tên gọi và số hiệu cũ.

USS Cassin (DD-372) cũng ở trong xưởng cạn khi cuộc tấn công xảy ra. Con tàu cũng chịu chung số phận như USS Downes. Nó trở lại biên chế vào tháng 2/1944.

USS Cassin (DD-373) trúng 3 quả bom, ngọn lửa lan tới khoang chứa đạn phía trước, gây ra một vụ nổ khủng khiếp. Tuy nhiên, tàu vẫn được sửa chữa tạm thời để tới thành phố San Francisco. Tại đây, nó được hồi sinh và trở lại biên chế vào tháng 6/1942.

USS Curtis (AV-4) bị trúng một quả bom và bị một máy bay Nhật Bản bị bắn rơi đâm vào, gây ra nhiều đám cháy trên tàu. Sau quá trình sửa chữa tạm  thời, nó trở về Mỹ để đánh giá và khắc phục thiệt hại. Quá trình này chỉ mất 4 ngày, USS Curtis trở lại phục vụ tại Trân Châu Cảng từ tháng 1/1942.

USS Releigh (CL-7) trúng một quả ngư lôi vào mạn trái, khiến nó bị nghiêng và có nguy cơ bị lật úp. May mắn là con tàu vẫn nổi và được sửa chữa ngay tại Trân Châu Cảng, sau đó bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 2/1942.

USS Vestal (AR-4) trúng hai quả bom, đồng thời bị ngọn lửa từ USS Arizona lan sang. Thủy thủ đoàn chiến đấu với ngọn lửa cho tới khi tàu được đưa tới chỗ nước nông. Trong các tuần tiếp theo, tình trạng thiếu hụt nhân lực khiến chính thủy thủ đoàn của USS Vestal phải tự sửa chữa tàu của mình. Nó trở lại biên chế vào tháng 8/1942.

Tử Quỳnh (Ảnh: Yahoo)