Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến có ThS Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế; BS.CKII Trần Thái Sơn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là loại hình bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe do Nhà nước tổ chức, được áp dụng từ thập niên 80. Đến nay, BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam. Do đó, những thay đổi về vấn đề này luôn được đông đảo người dân quan tâm.
Hôm 27/11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua, hiệu lực từ ngày 1/7. So với Luật BHYT hiện hành, luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới như sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, khuyến khích khám chữa bệnh tuyến ban đầu... Trong đó, vấn đề nổi bật nhất là việc xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám, chữa bệnh, điều chuyển thuốc BHYT giữa các bệnh viện.
Trước đó, kể từ tháng 7/2024, loạt thay đổi về bảo hiểm y tế được áp dụng toàn quốc. Mức đóng tính theo mức lương cơ sở, nếu chi phí khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở, được trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Người chưa tham gia BHYT song bị ốm đau, tai nạn. thương tích, được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Giá khám chữa bệnh theo bảo hiểm cũng được Bộ Y tế thay đổi. Theo đó, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy... tăng từ 42.100 đồng, lên 50.600 đồng. Giá giường điều trị hồi sức tích cực (ICU), ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng đặc biệt trước đó là 867.500 đồng một ngày, sau điều chỉnh là 1.017.300 đồng. Tương tự, giá ngày giường điều trị nội khoa loại 1 tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng được điều chỉnh từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng.
Những thắc mắc xung quanh những vấn đề trên, được các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, giải đáp với độc giả tại VnExpress lúc 16h ngày 2/12.
Chi Lê