Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Quang, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin cho biết, phần lớn trường hợp ngộ độc do thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn hay nhiễm độc đều có các biểu hiện là đau bụng, nôn ói và tiêu chảy. Những trường hợp nôn ói và tiêu chảy nhiều, đặc biệt ở trẻ em và người già sẽ nhanh chóng dẫn đến mất nước, triệu chứng tuột huyết áp và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Tác nhân gây ra những rối loạn này có thể là vi sinh vật (chủ yếu virus hoặc đôi khi vi khuẩn gây bệnh đường ruột), có thể là chất độc ngoại sinh (do các hóa chất, phụ gia gây tác dụng phụ) hoặc nội sinh (do các độc tố sinh ra). Nguyên nhân là quá trình sinh sôi nảy nở của các vi khuẩn, thường gặp khi thức ăn để lâu, ôi thiu do bảo quản không tốt hay quá hạn.
Theo bác sĩ Quang, ngộ độc có thể nhẹ nhưng cũng có thể nặng. Các đối tượng có sức chịu đựng kém thường có thể diễn biến rất xấu. Những người có nguy cơ bao gồm diện có dự trữ nước trong cơ thể thấp như trẻ em và người già, diện có khả năng thích ứng kém bao gồm người bệnh gan, thận mãn tính hay có bệnh tim mạch kèm theo. Do đó cần cảnh giác theo dõi và điều trị đúng cách để bệnh không diễn tiến nặng hơn.
Điều trị ngộ độc thực phẩm
Dù bị nhiễm virus, vi khuẩn hay độc tố thì bệnh cũng có xu hướng tự giới hạn do cơ thể chủ động đào thải các tác nhân gây bệnh, đồng thời tự điều chỉnh khối lượng nước điện giải.
Trong mọi trường hợp cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu, uống nhiều nước và chú ý vệ sinh để không tiếp tục lây cho người khác.
Kháng sinh không có tác dụng trong đa số trường hợp và việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước.
Lời khuyên khi ngộ độc thực phẩm
- Uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng không có ga, nước dừa tươi hoặc nước biển khô Oresol theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường nhưng chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần và ăn chậm để tránh ói.
- Theo dõi số lần ói và đi tiêu.
- Theo dõi phát hiện các dấu hiệu mất nước để kịp thời đưa bệnh nhân nhập viện.
- Cần đi khám hay vào viện để truyền dịch nếu cơ thể có dấu hiệu mất bù: da khô, tim đập nhanh, cảm giác mệt lả hay ngất xỉu.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm không chỉ là có ý thức và chọn lọc về loại thức ăn và nơi ăn mà còn là biện pháp vệ sinh để ngừa lây nhiễm virus. Chú ý chọn những điểm ăn uống có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như vấn đề nguồn nước kết hợp với việc rửa tay đúng cách trước khi ăn sẽ giúp hạn chế phần nào vấn đề ngộ độc.
Lê Phương