Lễ Giáng sinh ở Croatia bắt đầu rất sớm, một số phong tục bắt đầu ngay từ tháng 11. Giống nhiều quốc gia châu Âu khác, người Croatia cũng kỷ niệm ngày Thánh Nicholas từ đầu tháng 12. Trẻ em bỏ giày ngoài cửa, đợi Thánh Nicholas tặng kẹo và quà bên trong.
"Khi còn nhỏ, tôi thường để giày ngoài cửa sổ", Antonio Zdnunich, người sinh ra tại Croatia, nói. "Sẽ có người nhét đầy quà và kẹo ban đêm. Khi thức dậy tôi sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc".
Nhiều gia đình ở Croatia trồng lúa mì vào 13/12 với niềm tin lúa mọc tốt, đem lại một năm mới thịnh vượng, ông nói thêm.
Người bạn tinh thần đồng hành cùng người Thụy Điển trong dịp Giáng sinh là nhân vật vịt Donald. Năm ngoái, hơn 4,5 triệu người, gần nửa dân số Thụy Điển, đã xem bộ phim đặc biệt phát hành năm 1958 của hãng Disney có tựa đề "Từ tất cả chúng tôi tới tất cả các bạn". Bộ phim này được phát sóng hàng năm kể từ năm 1959.
Món ăn thường dùng nhất trong dịp này là thịt viên, giăm bông, cá hồi hun khói hoặc muối, cá trích ngâm chua, khoai tây và cá cơm hầm.
Giáng sinh là ngày lễ quốc gia ở Ấn Độ dù chỉ 2,4% dân số theo đạo Thiên chúa, theo trung tâm nghiên cứu Pew. Vào dịp này, ông già Noel thường tới trường học chúc mừng và tặng quà trẻ em.
"Giáng sinh là lễ kỷ niệm quan trọng với gia đình tôi vì đó là dịp mỗi năm một lần toàn thể gia đình tụ tập bên nhau", Isha Meleth, người theo đạo Thiên chúa ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, nói. "Chúng tôi thường dựng mô hình Chúa giáng sinh trước cửa nhà".
Meleth cho hay hai món ăn phổ biến trong ngày Giáng sinh là bánh kheer, loại bánh pudding làm từ sữa và kallappam, bánh kếp dừa với bột gạo rất phổ biến ở miền nam Ấn Độ.
Đối với đa số người dân Nhật Bản, Giáng sinh là một dịp lễ hội hơn là lễ giáo. Nhiều người Nhật Bản kỷ niệm ngày lễ giống lễ Tình nhân, dành thời gian cả ngày bên nhau. Mọi người thường hẹn hò người yêu ăn tối và đi dạo ngắm đèn Giáng sinh.
Người Nhật Bản còn có truyền thống ăn gà rán KFC vào Giáng sinh. Tatsuya Noguchi, đại diện KFC Nhật Bản, cho biết chiến dịch tiếp thị năm 1974 có tên "Giáng sinh Kentucky" đã khởi đầu trào lưu được hàng triệu người dân Nhật Bản bây giờ thực hiện là ăn gà rán.
"Hàng năm, ngày bận rộn nhất là 24/12, bận gấp 5-10 lần bình thường", Noguchi nói.
Khoảng 92% trong số 110 triệu người Philippines theo đạo Thiên chúa. Giáng sinh là thời gian quan trọng nhất trong năm ở Philippines. Quốc gia này cũng kỷ niệm ngày lễ dài hơn bất kỳ nơi nào khác, từ tháng 9 tới tháng một. Nhiều gia đình thường thưởng thức món lợn quay giòn bì trong dịp này.
"Gia đình tôi ở Philippines tổ chức lễ vọng Giáng sinh (buổi tối trước Giáng sinh), cả gia đình đoàn tụ, tiệc tùng và tặng quà", Siena Klinzing, người mang nửa dòng máu Philippines, nói.
Cô cho hay gia đình thức đến nửa đêm để nói lời chúc mừng Giáng sinh. Ngoài ra, còn một truyền thống quan trọng nữa là Simbang Gabi, nghĩa là "thánh lễ đêm". Mọi người thức dậy trước bình minh để đi lễ trong 9 ngày từ 16 đến 24/12 với niềm tin rằng người hoàn thành sẽ được phép cầu xin một phước lành.
Dù quốc giáo của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là Hồi giáo, lễ Giáng sinh vẫn được tổ chức ở một số vùng. Đây là ngày lễ lớn ở Abu Dhabi và Dubai, nơi có lượng lớn người nước ngoài cư trú. Các trung tâm thương mại và khách sạn thường trang trí cây thông Noel trên nhiều tầng. Chợ Giáng sinh, các buổi biểu diễn và nhà hàng phục vụ thực đơn đặc biệt cho ngày lễ là những điều rất phổ biến trong tháng 12.
Lễ Giáng sinh ở Mexico thường diễn ra các cuộc diễu hành lớn với nhiều hình nộm bay sặc sỡ, trang phục hóa trang, hình nộm chứa kẹo và mô hình Chúa giáng sinh. Phong tục phổ biến nhất là Las Posadas, lễ kỷ niệm diễn ra suốt 9 ngày trước lễ Giáng sinh.
"Mỗi đêm, người ta sẽ lập đám rước ca hát đại diện cho hành trình của bà Mary và ông Joseph tới Bethlehem", blogger ẩm thực Mexico Mely Martinez cho hay.
Đám rước thường kết thúc tại nhà của một người để mọi người tụ tập ăn uống. Đồ ăn phổ biến trong dịp Giáng sinh là súp pozole, bánh bột chiên ngọt, đồ uống sôcôla nóng.
Hồng Hạnh (Theo CNBC)