Mệnh lệnh rút quân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ban hành đối với lực lượng quân sự ở Syria bắt đầu từ ngày 15/3 có vẻ như đã khiến Mỹ, chính quyền Syria và tất cả các bên có liên quan không khỏi sửng sốt, thể hiện đúng phong cách hành động của nhà lãnh đạo này, theo NYTimes.
Bình luận viên Neil MacFarquhar của tờ báo này cho rằng từ trước tới nay, ông Putin rất thích và rất giỏi tạo ra bất ngờ, và những bất ngờ đó góp phần củng cố hình ảnh mới của nước Nga như một quốc gia tự chủ, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đặt ông vào vị trí trung tâm của các sự kiện lớn diễn ra trên thế giới.
Trong trường hợp Syria, động thái rút quân đột ngột sau gần 6 tháng tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự cũng bất ngờ không kém, cho phép ông Putin tuyên bố giành được một loạt thành quả mà không phải mất quá nhiều tổn thất về xương máu và tài chính của nước Nga.
Nếu 4.000 binh sĩ Nga cùng khoảng 50 máy bay quân sự vẫn tiếp tục hiện diện ở Syria, họ sẽ có nguy cơ trở thành một lực lượng ủy nhiệm nữa chiến đấu để bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên ông Putin muốn để lại dấu ấn của mình bằng cách tìm ra một giải pháp cho Syria, hơn là tiếp tục tình thế đối đầu không lối thoát với Mỹ trên chiến trường này.
"Nước Nga không muốn chiến đấu cho Assad theo cách như vậy", Aleksei V. Makarkin, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị ở Moscow, nói. "Nếu Nga tiếp tục, họ sẽ có thể phụ thuộc nhiều hơn vào ông Assad và khiến họ đụng độ trực tiếp với những người chơi khác".
Giới phân tích cho rằng khi quyết định rút quân, ông Putin đã đạt được phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những mục tiêu mà ông đã đặt ra từ đầu cuộc chiến.
Thứ nhất, sau gần 6 tháng can thiệp, Nga đã chặn đứng nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi lãnh đạo ở Syria, chống lại kế hoạch cưỡng ép chuyển giao chính trị của các chính phủ nước ngoài.
Thứ hai, Nga đã cho cả thế giới, nhất là khu vực Trung Đông, thấy rằng họ là một đồng minh đáng tin cậy hơn Mỹ. Trong khi Mỹ bỏ rơi những đồng minh lâu năm như cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong cơn khủng hoảng chính trị, Nga vẫn quyết tâm bảo vệ ông Assad đến cùng khi ông này gặp nguy khốn.
Thứ ba, Moscow đã khôi phục được vị thế quan trọng tại Trung Đông mà họ đã từng có từ thời Liên Xô, cũng như vai trò là người giải quyết khủng hoảng toàn cầu, buộc các nước khác phải tôn trọng ông Putin như một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Thứ tư, Nga đã phá vỡ được thế cô lập mà phương Tây tìm cách áp đặt lên nước này sau cuộc khủng hoảng Ukraine, thiết lập kênh đối thoại quan trọng với Mỹ, và ở cấp độ thấp hơn là với châu Âu.
Thứ năm, Nga đã phần nào chuyển hướng chú ý của cộng đồng quốc tế ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine, góp phần thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với các vấn đề về kinh tế. Việc tiết kiệm khoảng ba triệu USD chiến phí mỗi ngày cho chiến dịch quân sự ở Syria cũng góp phần giúp nước Nga giảm bớt gánh nặng kinh tế, nhưng đây được cho không phải là yếu tố quyết định.
Thứ sáu, nước Nga đã phô diễn được tính hiệu quả của một loạt vũ khí thế hệ mới trên chiến trường Syria, phục vụ đắc lực cho thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới của nước này.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu chính của Moscow - buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và thừa nhận quyền lực của Nga - đã đạt được. "Sự hồi sinh từ đống tro tàn của quan hệ hợp tác Nga - Mỹ là một trong những thành quả chính trị quan trọng nhất của chiến dịch này", Vladimir Frolov, chuyên gia về quan hệ quốc tế, viết trên trang Slon.ru của Nga. "Nó cho thấy chỉ có hai siêu cường trên thế giới mới có thể chấm dứt cuộc chiến này".
'Đặc sản' của Putin
Việc ra những quyết định khiến cả thế giới ngỡ ngàng dường như là một "đặc sản" của ông Putin. Theo các tài liệu về chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014, vị tổng thống từng là một điệp viên KGB này chỉ tham vấn rất ít cố vấn quân sự và an ninh về những vấn đề đối ngoại quan trọng trước khi đưa ra quyết sách.
Những cố vấn đó bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Chánh văn phòng Tổng thống Sergei B. Ivanov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Alexander Bortnikov, và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, người từng là giám đốc FSB.
Với xuất thân như vậy, các cố vấn này tin rằng việc giữ bí mật là chìa khóa để thành công, theo Ekaterina Schulmann, một nhà khoa học chính trị của Nga. Họ cũng cho rằng những tuyên bố bất ngờ sẽ tạo ra hiệu ứng công chúng rất lớn, khiến người Nga phải dán mắt vào màn hình tivi và có cảm giác như họ đang tham gia vào những sự kiện đầy gay cấn, bà Schulmann nói.
"Một quyết định hay ở nước Nga hiện nay cần phải được đưa ra chóng vánh, bất ngờ, khiến mọi người ngỡ ngàng. Đó được coi là cách quản lý chính trị tuyệt vời", chuyên gia này khẳng định.
Điều này cũng thể hiện một điều rằng nước Nga đang độc lập hành động. "Mục đích chính là cho thấy Nga hành động hoàn toàn độc lập. Chúng tôi tăng cường hiện diện quân sự mà không cần rào đón nhiều, và rút hết về cũng không một lời cảnh báo trước", chuyên gia phân tích chính trị độc lập Alexander Morozov cho hay.
Việc ông Assad kêu gọi Nga đưa ra tuyên bố chính thức về việc rút quân là hệ quả của một quá trình ra quyết định độc lập, bởi ông Putin không có thói quen chia sẻ những suy tính của mình với nhiều người Nga, chứ chưa nói đến người nước ngoài.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng quyết định bất ngờ trên là một thông điệp gửi tới ông Assad, người được củng cố vị thế đáng kể trên chiến trường và trên bàn đàm phán nhờ chiến dịch quân sự của Nga. Gần đây, ông Assad đã phần nào khiến Moscow phật ý khi tuyên bố rằng quân đội của ông sẽ chiến đấu đến khi nào thống nhất toàn bộ Syria, và khi bộ trưởng ngoại giao nước này bác bỏ các cuộc đàm phán về bầu cử tổng thống, vốn là một phần trong tiến trình chuyển giao hòa bình cho Syria.
Các nhà ngoại giao Arab ở Damascus cho biết trong những tuần gần đây, các đồng sự người Nga khẳng định Nga can thiệp quân sự là để bảo vệ chính quyền Syria, chứ không phải bản thân ông Assad.
"Tôi cho rằng đó là một phát bắn trực tiếp, chứ không còn là phát bắn cảnh cáo nữa, của Putin với ông Assad, như một cách để nói rằng giờ đây mọi việc tùy thuộc vào ông ấy", Cliff Kupchan, chủ tịch Eurasia Group, nhận định. "Ít nhất là đến nay, Putin đã chứng tỏ được mình là một bậc thầy về hòa bình, và đó là động thái rất khôn ngoan".
Xem thêm: Tình báo Mỹ chật vật đọc suy nghĩ của Putin
Trí Dũng