Dạo này, cứ thỉnh thoảng tôi lại nhớ về mẹ.
Lúc ấy còn nhỏ, tôi và em thường ngồi sau chiếc xe đạp chòng chành mẹ chở. Chiếc giỏ xe đầy ắp, hai bên tay lái cũng treo lủng lẳng bọc rau bọc thịt, vậy mà mẹ vẫn đủ sức gồng chở cả hai đứa con. Gánh nặng ấy khiến mỗi lần chạy lên cầu, mẹ mệt đến thở hùng hục, còn chúng tôi vẫn rất ngây thơ, gào toáng, hét hò.
Lên đầu lớp 5, cô giáo hỏi tương lai tôi muốn làm gì. Tôi trả lời: "Dạ, con muốn làm tài xế ôtô để chở ba mẹ". Ước mơ ngô nghê ấy chẳng thể thực hiện được, vì lớn rồi tôi và em trai đều lên Sài Gòn học. Rồi mỗi người trưởng thành, ai cũng có cuộc sống riêng, bận rộn đến không kịp thở, còn ai dành thời gian cho những mộng tưởng kia nữa?
Có một giây phút của sau này, ký ức về thời trẻ con loáng thoáng xẹt qua, khi đó, tôi thường ngồi ngắm mẹ cẩn thận chải tóc cạnh hiên nhà. Mẹ chải bằng cây lược răng dày, mỗi lần chải là có các hạt bụi lất phất bay trong ánh nắng hanh vàng. Mẹ yêu tóc mẹ như cách những người con gái miền Tây trân quý mối tình e ấp của mình. Phần tóc rối ấy mẹ quấn thành cục tròn để ở kẹt cửa, khi nào đủ nhiều thì gọi bà mua ve chai đồng nát thu mua. Bà ấy nhận tóc, không trả tiền, mà gửi chút quà vặt. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại được có khi cây kẹo, có khi bịch me ngào để chia nhau.

Mẹ tôi một đời tảo tần lo cho chồng con.
Trong ký ức của tôi, ngày tồi tệ nhất cuộc đời mình rơi vào ngày đầu Tết 2017, đó là khi mẹ tôi phát hiện bị ung thư vú ác tính. Cơn ác mộng ấy như một điều gì quá xa xôi, tôi nhắm mắt tưởng tượng rằng phải tỉnh, tỉnh dậy rồi mẹ vẫn bình thường, vẫn khoẻ mạnh. Đêm đó, tôi thấy ba cứ ngồi thừ trên bậc cửa, người đàn ông mạnh mẽ, hơn 70 năm phơi nắng ngoài ruộng đất, đã lặng lẽ bật khóc rấm rứt như một đứa trẻ.
Rồi mẹ tôi phải nhận chữa trị, bác sĩ hỏi nhà muốn xạ trị hay hoá trị. Ông giải thích rằng xạ trị thì chi phí đắt, nhưng mẹ tôi sẽ sống lâu hơn. Không chần chừ, ba tôi đưa ra quyết định chắc nịch, mặc kệ mẹ tôi có xót tiền và can ngăn trong nước mắt thế nào.
"Tiền đó cho con ăn học ông ơi". Mẹ nói. Ba lắc đầu, bảo con cái có phúc của nó. Mẹ khổ một đời để cùng ba gây dựng nên nhà cửa thì ít nhất về già, dù bán cả ruộng vườn, ba cũng phải dốc tiền chữa bệnh cho mẹ.
Suốt quá trình chữa trị đau đớn ấy, mẹ phải chịu đựng những đợt thuốc, bắn tia kéo dài và buộc cắt đi mái tóc mẹ xem như sinh mệnh. Kể từ đó, lúc nào mẹ cũng đội mũ len nâu sòng, rồi mẹ cũng dần bớt ra ngoài hơn. Ai gọi hỏi thăm, mẹ đều bảo mẹ mệt nên không muốn đi đâu. Chỉ có tôi mới hiểu tại sao mẹ làm vậy. Một lần mẹ đi thăm nhà cô họ, cô ấy khéo mời mẹ về sớm kẻo tối, chứ không ngỏ ý mời mẹ ở lại như những dịp trước. Có lẽ cô ấy sợ bệnh của mẹ. Vậy cũng phải, người ta nghe tới hai từ "ung thư" là sợ xanh mặt rồi, cần gì phải biết nào là căn bệnh quái ác đó không thể lây truyền qua đường tiếp xúc thông thường.

Cha - mẹ tôi luôn tình cảm dù đã ở tuổi xế chiều.
Thời gian dần trôi qua như chớp mắt, vào chiều muộn tan học, tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ, mẹ không biết nhắn tin hay xài phần mềm, nên thường chỉ gọi trực tiếp. Tôi mở điện thoại, cố gắng lấy tâm trạng trả lời mẹ.
"Tết có về không con?", mẹ chầm chậm hỏi. Giọng mẹ khàn, chắc vì cơn cảm do đợt gió lạnh vẫn chưa khỏi.
"Dạ, nghỉ ít nên chắc không quá mẹ ạ. Con ở trên đây làm thêm luôn". Tiền vé về quê tôi cũng đắt, hai chuyến lên xuống cũng đã ngốn mớ tiền bằng cả tuần ăn của tôi, ấy là còn về chỉ có vài ngày, mệt lả người.
"Ừ, thôi, con nhớ ở trển nhớ lo ăn uống đầy đủ. Đừng thức khuya quá, uống nhiều nước vô. Có cần tiền thì nói, mẹ kêu ba con gửi lên...". Mẹ tôi vẫn dặn dò bằng cái giọng khản đục do bệnh tật. Nói chuyện một lát thấy đến giờ làm nên tôi tạm biệt mẹ, tắt điện thoại, rồi đi bộ đến trạm xe buýt.
Bà chủ cũng là dân tỉnh lên Sài Gòn lập nghiệp, mặc dù đã ly dị sớm, mình bà vẫn đủ sức nuôi hai anh con trai đi du học. Chính sự bươn chải đó đã tạo nên người phụ nữ mạnh mẽ, có chất giọng rổn rảng, duyên dáng. Rồi cũng nhờ sự hiếu khách, nhiệt tình đó mà tiệm bà lúc nào cũng tấp nập người ăn kẻ uống. Thực ra đi làm ở đấy cũng bất tiện vì mỗi tối tầm 9h tôi phải bắt chuyến xe buýt cuối, qua cầu Sài Gòn để về phòng trọ bên Bình Thạnh. Bù lại thì lương tôi nhận cũng khá, nhờ thế mà tôi có thể giúp được ba mẹ trang trải một phần tiền phí sinh hoạt.
Dịp gần Tết, khách khứa đông lên nhiều, tôi phải chạy bàn liên tục với lời hứa từ bà chủ rằng sẽ có thưởng hậu hĩnh. Xế buổi, tôi dọn dẹp bàn rồi múc ít thức ăn còn thừa cho vào bịch nylon. Vì thực phẩm chế biến không thể để qua đêm nên bà chủ thường chia cho nhân viên mang về vào cuối ngày. Không phải ai cũng lấy, nhưng với những sinh viên nghèo như tôi thì đây quả là lộc trời. Đang lúi húi thì tôi nghe tiếng gọi của bà chủ nên vội chạy ra. Bà dúi vào tay tôi một phong bì đỏ, bên trong ngoài trừ lương tháng này còn cộm thêm vài tờ bạc xanh mát.
"Con làm việc vất vả rồi", bà tít mắt cười, khuôn môi cong như vành trăng. "Cái này cô thưởng cho con, con thích gì cứ mua sắm nghen".
Tôi mừng rơn, vâng dạ cảm ơn rồi bước lên xe buýt về nhà. Chuyến xe hôm đó như thế nào tôi cũng không để ý. Tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ đến việc có đủ tiền mua cho mẹ chiếc váy mới tinh, rồi mua một mái tóc giả, tóc giả nhưng phải hoàn toàn làm từ tóc thật nên sẽ mềm như lụa, đen nhánh và không bị xơ cong. Tôi tưởng tượng mẹ sẽ mặc chiếc váy mới, chải chuốt mái tóc giả và vui vẻ như xưa. Vài trăm ngàn lẻ thôi, rõ ràng biết chẳng mua hết được những thứ xa xỉ đó đâu, nhưng tôi vẫn hồi hộp mong sớm về nhà, rồi Chủ nhật này sẽ rủ nhỏ bạn thân đi mua đồ.

Tôi mong có thể thấy nụ cười mẹ mãi rạng rỡ như thế này.
Đến phòng trọ, tôi hý hửng mở cặp ra lấy tiền. Bất chợt tôi thấy dây kéo cặp bị mở, bên trong cái phong bì đỏ đã biến mất. Tôi sững mất vài giây, rồi lẩy bẩy lục lọi khắp nơi, trong đầu hiện ra những khuôn mặt vô tình bắt gặp trên đường về, là ai, hay do bản thân mình bỏ quên ở đâu? Lần cuối tôi còn giữ phong tiền là trước khi bước lên xe, rồi sau đó... có lẽ... có lẽ... có lẽ nào.
Tôi cầm chìa khoá tính chạy ra đường, lại chẳng biết đi về đâu và phải làm gì. Tôi cố gắng suy nghĩ, nhưng đầu óc cứ trống rỗng, tim đập thùm thụp. Tất cả chỉ còn hình ảnh của mẹ cười rạng rỡ khi nhận quà tôi tặng, mẹ bảo mua chi phí tiền, nhưng mẹ vẫn yêu thích không thôi. Hình ảnh ấy nứt dần, rạn vỡ thành trăm ngàn mảnh bụi.
Cuối cùng, tôi ngồi thụp xuống đầy bất lực, nước mắt ứa ra, tôi vô định nhìn về phía dòng xe đang đổ về trung tâm. Ở đất Sài Gòn, tiền lẻ rơi thì một giây còn có người nhặt, huống chi số tiền không hề nhỏ như thế. Cơ hội tìm thấy phong bì tiền cứ giảm dần theo từng chút suy diễn của bản thân. Nhói lòng đến thế, vậy mà xa xa kia, cầu Sài Gòn vẫn hoa lệ như thế, đại lộ dài vô tận trước mặt, ánh đèn sáng đến đau mắt.
5h sáng, trời chuyển lạnh, tôi trằn trọc xoay người, vừa ấm ức, vừa bực bội. Giờ này hẳn mẹ tôi đã dậy để cúng hương Tổ Tiên. Tôi nhớ bóng lưng cong của mẹ khi khấn vái, nhớ đến trào nước mắt. Nhấn vội dãy số, tôi kiên nhẫn nhờ tiếng tút tút dài bên kia ngưng hẳn.
"Mẹ nghe nè con, có gì không con?", mẹ có vẻ lo lắng, dường như mẹ hiểu tôi gọi giờ này chắc hẳn phải có chuyện gì đó không lành.
"Mẹ...", tôi nén cảm xúc, lời nói sắp trào đến miệng bỗng dưng tắt hẳn. Tôi không muốn mẹ buồn, bác sĩ dặn bệnh của mẹ buồn sẽ chuyển biến không tốt. Nhưng cảm giác nghèn nghẹn lại khiến mắt tôi cay xè, tôi vơ lấy chai nước, tu vội một ngụm cho nỗi u uất trôi xuống rồi tiếp tục nói.
"Tết, con về nhà nghen mẹ".
Con về trong vòng tay mẹ, trong câu hò ru ngày xưa. Con về mua chút rau nấu cho ba mẹ nồi canh ngọt. Bởi vì, con chỉ cần bình yên, thế thôi.
Tôi vừa nói vừa đẩy cửa ban công. Dưới kia, những người phụ nữ buôn gánh bán bưng đang vội dọn hàng mở sạp. Cơn gió lạnh lùa vào mặt, mang theo hơi thở nhẹ nhàng, cũng hong khô vệt nước dài đọng lại.
Có ngày mai, là còn hy vọng.
Huỳnh Kim Chi
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.