Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày phải tiếp nhận 20-30 trẻ nhập viện khiến khoa luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng. Cả khoa có 81 giường bệnh nhưng có tới hơn 150 bệnh nhi điều trị nên nhiều bé phải nằm ghép 2, thậm chí 3 trên một giường bệnh.
Số bệnh nhi thở oxy ước tính khoảng 60, tương đương khoảng 1/3 tổng số bé điều trị tại khoa. Một số trẻ nặng hơn phải chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu để thở máy. Theo bác sĩ Lê Thị Hoa, khoa Hô hấp thì "có thể nói đây là thời điểm Khoa phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng nhất".
Theo bác sĩ Hoa, khi thời tiết rét đậm kéo dài như những ngày hiện nay thì cha mẹ cần lưu ý 2 bệnh là viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, hay gặp ở trẻ 3-6 tháng tuổi. Biểu hiện của bệnh gồm: sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong 2-3 ngày đầu. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể khó thở, nặng hơn thì trẻ bỏ bú, tím tái.
Đa số trẻ mắc bệnh này có thể điều trị tại nhà nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí tử vong. Bệnh có nhiều biến chứng và tử vong cũng cao hơn trong trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non - nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, có sẵn bệnh tim, phổi...
Vì thế, khi trẻ có các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản thì cha mẹ cần đưa con đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị cụ thể. Đặc biệt, cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi thấy trẻ thở nhanh, tím tái, tím khi gắng sức (khi ăn hoặc khóc), trẻ ho nhiều mà không bật được đờm ra hoặc bú kém. Nếu đường thở của trẻ không thông thoáng, tình trạng bít tắc tăng lên thì trẻ có thể bị suy hô hấp rất nhanh và dễ nguy hiểm tới tính mạng.
Với bệnh viêm phổi, cha mẹ cần chú ý hơn vì đây là bệnh phổ biến ở trẻ. Nếu không được chữa trị sớm trẻ rất dễ tử vong. Để phòng những biến chứng đáng tiếc của bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ tới viện ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, đặc biệt là thở nhanh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày rét đậm, điều quan trọng là giữ ấm. Tại gia đình, nếu có điều kiện thì thì dùng điều hòa hoặc lò sưởi. Lưu ý không nên để nhiệt độ quá cao vì sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài nhà dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp. Thông thường nên để nhiệt độ khoảng từ 20 đến 25 độ C.
Đặc biệt, cần tránh các kiểu sưởi ấm bằng cách dùng lò than hoặc bếp than ủ trong phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO, gây nguy hiểm tính mạng.
Với các bé sơ sinh, cha mẹ có thể sử dụng phương pháp giữ ấm rất hiệu quả là giữ ấm bằng phương pháp Kangaroo. Theo đó, bạn có thể ủ ấm cho trẻ bằng cách ôm sát trẻ vào ngực trong làn áo của người ôm sao cho có sự tiếp xúc da kề da càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng phương pháp này sẽ giúp mẹ có nhiều sữa hơn và cho con bú tốt hơn.
Trong trường hợp phải đưa trẻ nhỏ ra ngoài thì cần chú ý giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm. Có thể giữ ấm thêm bằng cách sử dụng những túi chườm nóng, cho trẻ mặc áo mưa...
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Cho trẻ uống nước ấm để tránh viêm họng. Chú ý ngâm lọ nước muối vào nước ấm trước khi tra mũi cho bé.
Bên cạnh đó, cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khi thấy trẻ có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau ngực, nôn, đau đầu... phải đưa trẻ tới ngay tới cơ sở y tế để khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Phương Trang