Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ bảy, 8/7/2023, 00:11 (GMT+7)

Phối cảnh ba cầu vượt sông Hồng và Đuống trên vành đai 4

Chủ đầu tư vừa công bố phối cảnh cầu Mễ Sở, Hồng Hà qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng qua sông Đuống cùng 8 nút giao khác mức liên thông trên vành đai 4 vùng Thủ đô.

Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, phải vượt qua 2 sông lớn là Hồng và Đuống. Ảnh trên là phối cảnh cầu Hồng Hà vượt sông Hồng, gần chùa Gia Lễ, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng.

Cầu Mễ Sở cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín khoảng 600 m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.

Sau lễ khởi công vành đai 4 vùng Thủ đô sáng 25/6, 7 quận huyện ở Hà Nội có dự án đi qua tiếp tục giải phóng mặt bằng (khoảng 15% còn lại), chuẩn bị tái định cư cho người dân và tiến hành thủ tục triển khai dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức đối tác công tư gồm đường, cầu, nút giao).

Cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống ở Bắc Ninh được nâng chiều rộng thêm 7 m so với phương án nghiên cứu ban đầu.

Trước đó trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, mặt cắt ngang cả ba cầu là 17,5 m, sau đó các địa phương đề xuất và được chấp thuận nâng lên 24,5 m nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ. Ba cây cầu trên nằm trong quy hoạch giao thông vận tải của Hà Nội, Bắc Ninh nhưng chưa được xây dựng.

Trên tuyến vành đai 4 có 8 nút giao khác mức liên thông. Ảnh trên là nút giao với đại lộ Thăng Long, được thiết kế liên thông khác mức dạng hoa thị.

Nút giao liên thông với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được đầu tư xây dựng cùng tuyến vành đai 4 qua huyện Thường Tín, Hà Nội. Đoạn vành đai 4 qua Thường Tín (từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở) dài khoảng 5 km, quy mô mặt cắt ngang 120 m, điểm đầu nút giao với quốc lộ 1A, điểm cuối ranh giới giữa TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Phối cảnh nút giao với quốc lộ 6 thuộc hai phường Yên Nghĩa và Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội. Mục tiêu xây dưng nút giao để khớp nối thống nhất với dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 6 (khởi công từ cuối năm 2022), đảm bảo liên thông giữa tuyến quốc lộ trung tâm ra vào thành phố với tuyến vành đai 4.

Phối cảnh nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai với vành đai 4. Đây là điểm đầu của tuyến vành đai 4, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối tuyến đường nằm trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long, địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Phối cảnh nút giao với trục trung tâm đô thị Mê Linh, huyện Mê Linh. Đoạn tuyến qua huyện Mê Linh dài 11,2 km, đi qua 5 xã Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa với tổng diện tích đất cần thu hồi là 134,2 ha của gần 2.700 hộ dân, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Phối cảnh nút giao Tây Nam, tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh này đề nghị xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh, thuận tiện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo khai thác hiệu quả tuyến cao tốc.

Phối cảnh nút giao vành đai 4 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra trên tuyến còn các nút giao khác mức với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giao với đường 38.

Các nút giao với đường tỉnh, quốc lộ, trục chính đô thị hiện hữu khác có lưu lượng lớn, tổ chức giao thông phức tạp, trước mắt chủ đầu tư thiết kế nút giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn, biển báo.

Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, được thiết kế 6 làn xe, tốc độ 100 km/h, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027.

Việc hoàn thiện vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh thành và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (tin cài giờ)
 
 

Hướng tuyến vành đai 4 đoạn qua TP Hà Nội. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Võ Hải