Sáng 29/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành Giá đã chủ trì cuộc họp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, bình quân 5 tháng, CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. “Các nhân tố gây tăng giá trong tháng 4, 5 đều xuất phát từ thị trường, không có yếu tố từ công tác điều hành của Chính phủ”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh dịch vụ y tế, giáo dục, tiền lương cơ sở từ 1/7, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thêm 1.000 đồng một lít và xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ..., theo ông Tuấn có thể gây sức ép lên CPI.
Trước dự báo của các bộ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định: “Hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI dưới mức 4% của năm 2018”. Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hoà, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
"Bộ Công Thương quán triệt chỉ đạo của Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2018, chỉ đạo EVN phải tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh", Phó thủ tướng yêu cầu.
Trước yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, đã chỉ đạo EVN triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất để giữ giá bán lẻ điện, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong sử dụng hiệu quả, hài hoà Quỹ bình ổn xăng dầu.
Ngoài ra, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ giữ ổn định giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ.
Bộ Xây dựng được chỉ đạo tăng cường quản lý, không để đầu cơ, thổi giá đất tại các đặc khu kinh tế và vùng ven đô, quản lý tốt giá cả một số vật liệu như cát, sỏi, xi măng.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu chú ý tốc độ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn giải ngân vào cuối năm và kịp thời ứng tiền cho các dự án đầu tư quan trọng.
Anh Minh