Chiều 12/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, chủ trì phiên họp đầu tiên với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia...
Phó thủ tướng đánh giá hiện nay hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Bằng phương thức tiếp cận tổng hợp, liên ngành kỹ thuật - khoa học công nghệ - kinh tế, Ban Chỉ đạo cần đưa ra quan điểm, cơ sở khoa học, thực tiễn đối với từng phương án để tìm ra kịch bản phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước.
"Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là trục xương sống trên hành lang Bắc Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian mới. Việc lựa chọn kịch bản đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư.
Chỉ đạo của Phó thủ tướng đưa ra trong bối cảnh đường sắt Việt Nam đã hoạt động hơn 100 năm, nhưng công nghệ vẫn phụ thuộc nước ngoài. Với tuyến mới như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, toàn bộ đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành phải nhập khẩu. Tuyến Bắc Nam và các tuyến địa phương cũng sử dụng nhiều đầu máy nước ngoài, riêng toa xe Việt Nam có thể tự sản xuất được.
Hiện có hai phương án đường sắt tốc độ cao. Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h.
Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350 km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng, vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD. Ban cán sự đảng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm phương án này.
Tại cuộc họp hôm nay, hầu hết đại biểu thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc Nam. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đường sắt Việt Nam từng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 1980-2005, nhưng đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với phương thức vận tải khác.
Bộ này cũng nêu ra những bất cập, như hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, nguồn nhân lực ngày càng mai một... Việc xây dựng đường sắt cao tốc sẽ mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói địa hình tự nhiên, các hành lang kinh tế, trục tăng trưởng, đô thị lớn của đất nước đều chạy dọc theo tuyến Bắc Nam đã cho thấy sự cần thiết phải đầu tư xây mới tuyến đường sắt đôi phục vụ hành khách và dự phòng vận tải hàng hóa khi có nhu cầu.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước cho thấy cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có. Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu so với thế giới.