Ngày 31/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Bộ Nông nghiệp cho biết đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại; áp dụng định mức, tính toán giá trị thiệt hại, niêm yết công khai... Đến 28/10, đã có 3 tỉnh báo cáo áp giá/định mức bồi thường để tính thiệt hại theo quyết định của Thủ tướng.
Lãnh đạo các tỉnh đề nghị việc xác định giá trị bồi thường cho người dân cần tích cực triển khai để giải ngân ngay trong tháng 11/2016, nhằm giúp bà con có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu 4 tỉnh tập trung giải quyết các vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm và sang năm sau. Trong đó, xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, gian dối trong kê khai.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu 4 địa phương tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương của Chính phủ trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, khẩn trương chi trả đúng đối tượng, khách quan, minh bạch và thỏa đáng.
"Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm hàng thủy sản còn tồn kho đông lạnh không bán được. Bộ Tài nguyên và Môi trường phân loại, tiêu hủy hay sử dụng nhu cầu khác đối với hàng thủy sản quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng", ông nói.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm ngay trong tháng 11 phải phân phối, tiêu thụ những hàng hải sản đủ tiêu chuẩn sử dụng an toàn của các hộ kinh doanh ở 4 tỉnh. Bộ Tài chính nghiên cứu các đề xuất của địa phương về xác định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân.
Trong sáng 31/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác Trung ương đã gặp gỡ với bà con ngư dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) để lắng nghe tâm tư và chia sẻ với người dân những khó khăn phải gánh chịu do sự cố môi trường biển.
Ông Bình nhấn mạnh, quá trình thống kê bồi thường, hỗ trợ cho người dân thiệt hại phải làm chính xác, công khai, minh bạch và có sự tham gia của các hộ gia đình, không để xảy ra kê khai không đúng người, số tiền bồi thường hay hỗ trợ. Ông cũng kêu gọi người dân không nghe theo người xấu kích động, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Phó thủ tướng khẳng định quá trình hoạt động của Công ty Formosa sẽ được các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của nhân dân. Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, tái phạm sẽ xem xét đình chỉ hoạt động.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh đã chi trả tiền bồi thường từ Formosa cho ngư dân.
Sự cố môi trường gây ra những hậu quả nào - Trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn. - 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. - Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết. - Tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%. - Thiệt hại về môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016. Sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40% đến 60% rạn san hô bị phá huỷ. - Ngoài ra còn có các hậu quả về xã hội, an ninh chính trị. |
Nguyễn Đông