Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Điền và thị trấn Phú Lộc là 4 địa phương đầu tiên của huyện Phú Lộc cũng như của tỉnh nhận tiền tạm cấp bồi thường sự cố môi trường biển. Các địa phương khác sẽ nhận trong các ngày tiếp theo.
Nguồn kinh phí tạm cấp 400 tỷ đồng đã được chia về các huyện, thị xã và trả cho người dân dựa trên số liệu điều tra, kê khai theo 7 nhóm thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được phê duyệt.
Để đảm bảo đúng đối tượng và an toàn, ông Phương đề nghị các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh thành lập các Tổ chi trả. Tổ chi trả có 3 nhóm, gồm 2 nhóm thực hiện chi trả và một nhóm giải quyết vướng mắc hậu chi trả. Các địa phương cũng có thể mời ngân hàng tham gia để người dân gửi tiền khi chưa sử dụng.
Lực lượng công an được điều động bảo vệ tại các địa điểm chi trả tiền tạm cấp bồi thường cho ngư dân.
Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên triển khai tiền hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân sau gần 2 tháng Chính phủ nhận bồi thường từ Formosa.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Sự cố môi trường gây ra những hậu quả nào - Trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn. - 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. - Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết. - Tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%. - Thiệt hại về môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016. Sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40% đến 60% rạn san hô bị phá huỷ. - Ngoài ra còn có các hậu quả về xã hội, an ninh chính trị. |