Theo đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ đề án thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới một số đơn vị khi cổ phần hóa, cũng như cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trình các quy định liên quan quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước, quy chế công bố thông tin...
Trong tháng 7/2013, các Bộ sẽ trình dự thảo Nghị định và Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thuộc trách nhiệm của Bộ. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông phải trình Thủ tướng đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trước đó, trong cuộc họp về tái cơ cấu VNPT, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ định rõ tập đoàn này phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi Công ty Thông tin di động (VMS) - đơn vị điều hành mạng Mobifone theo lộ trình trước 2015. Đến tháng 9/2013, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo và Đổi mới doanh nghiệp kiểm tra, giám sát hoạt động và tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Đồng thời, xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.
Đối với những dự án, những khoản đầu tư càng để càng mất vốn thì thoái vốn sớm, trường hợp khác tính toán hợp lý, có lộ trình cụ thể, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012 và năm tháng đầu 2013, đã có 28 đề án về cơ chế chính sách phục vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được trình lên Chính phủ, đạt 78% kế hoạch năm 2012 và 50% kế hoạch năm 2013. Ngoài ra, 32 doanh nghiệp đã được sắp xếp, trong đó có 5 doanh nghiệp được sáp nhập, bán 3 doanh nghiệp và thành lập mới 1 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá việc sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc triển khai các phương án tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước còn chậm, thoái vốn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng tài chính cà suy thoái kinh tế thế giới, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, việc triển khai chưa được quyết liệt.
Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước "thực sự chậm" bởi sự vào cuộc của các địa phương, các ngành và doanh nghiệp chưa quyết liệt. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ thị về việc phân công triển khai từng nhiệm vụ, từng đề án cho các bộ, ngành và các địa phương, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu các đơn vị.
Huyền Thư