Tại hội nghị tổng kết Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là chủ trương đột phá, quá trình triển khai đạt nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Theo ông, một trong những kết quả rõ nét nhất của Nghị định 67 là đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; đóng mới 761 tàu trong đó có 301 tàu vỏ thép...
Về hạn chế, Phó thủ tướng cho rằng chính sách đầu tư và bảo hiểm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn vướng mắc; hệ thống giám sát trên biển thiếu, chưa hiệu quả, chưa bảo đảm an toàn...
Ông nhấn mạnh hạn chế lớn nhất là việc nhiều tàu vỏ thép tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ có chất lượng kém, vỏ thép gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên hư hỏng, trang thiết bị như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn cũng hư hỏng hoặc không hoạt động..., gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách Nhà nước.
“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đăng kiểm. Ngư dân không thể giám sát chất lượng tàu, họ chỉ mua về sử dụng. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm chính”, Phó thủ tướng khẳng định và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm để nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của các cơ sở đóng tàu.
Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp chủ trì việc sửa đổi một số nội dung của Nghị định 67 để bắt đầu thực hiện vào tháng 1/2018, trong đó tập trung vào đầu tư hạ tầng nghề cá...
Ngoài ra, địa phương, công ty đóng tàu sai phạm cần triển khai ngay việc khắc phục các tàu cá vỏ sắt bị hư hỏng, không để người dân bỏ tiền ra rồi nhận về sản phẩm kém chất lượng.
Thứ trưởng Nông nghiệp Vũ Văn Tám cho hay, các cơ sở đóng tàu đang tập trung sửa chữa, dự kiến xong vào cuối tháng 8. Bộ Nông nghiệp cũng đã gửi văn bản tới địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.
Xem xét giãn nợ ngân hàng cho ngư dân
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng tình việc Nghị định 67 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu như năm 2015, ngư dân tỉnh này đánh bắt xa bờ đạt sản lượng hơn 188 nghìn tấn, đến năm 2016 với tàu vỏ thép vận hành tốt, sản lượng tăng trên 210 nghìn tấn. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều tàu vỏ thép mới ra khơi vài chuyến đã hư hỏng.
Sau sự cố trên, nhiều ngư dân gặp khó khăn, nhất là trong việc chi trả lãi ngân hàng. Vì vậy tỉnh đang phối hợp hai công ty đóng tàu bàn giải pháp đền bù giúp ngư dân, buộc phía công ty phải khắc phục hậu quả nhanh nhất. Các ngư dân cũng đề nghị ngân hàng xem xét giãn thời gian trả nợ, thay vì một tháng trả một lần thì có thể ba tháng hoặc sáu tháng.
Ông Trần Châu đề nghị Bộ cho tỉnh tham gia quá trình đóng tàu mới từ đầu đến lúc tàu đi vào vận hành khai thác. "Nếu không làm như thế thì tình trạng tàu cá đóng mới kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra", ông nói.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510. Đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. |