Theo Luật PPP hiện hành quy định 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP, gồm giao thông; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cấp thoát nước (nước sạch, xử lý nước thải, chất thải); y tế, giáo dục và hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, vốn tối thiểu để thực hiện các dự án này là 100 tỷ đồng với dự án y tế, giáo dục và 200 tỷ với các dự án lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện vừa qua bất cập.
Trình Quốc hội ngày 30/10 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 4 Luật (Quy hoạch; Đầu tư; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP; Đấu thầu), Chính phủ đề xuất không hạn chế lĩnh vực, quy mô vốn tối thiểu với dự án PPP. Ngoài ra, tỷ lệ vốn Nhà nước cũng được đề xuất tăng từ 50% lên 70% tổng mức đầu tư với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn một nửa, ở địa bàn khó khăn hay nhận chuyển giao công nghệ cao.
Góp ý tại thảo luận tổ, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu để doanh nghiệp tham gia vốn 100% tại dự án PPP "sẽ không kêu gọi được ai". Theo ông, Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao, doanh nghiệp tham gia một phần thì may ra họ mới làm. Chưa kể, có dự án khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia PPP nên phải tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại đây.
"Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần góp của Nhà nước phải vượt tỷ lệ hiện nay là 50% nhưng không quá 70%", ông nói.
Giải thích chuyện tăng vốn góp của Nhà nước tại dự án PPP, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khâu giải phóng mặt bằng hay các hạng mục kỹ thuật phức tạp thường chiếm nguồn lực thực hiện lớn, Nhà nước cần bỏ tiền vào đầu tư.
Song theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Ông Cường phân tích doanh nghiệp dự án PPP nếu có 70% vốn Nhà nước sẽ trở thành doanh nghiệp Nhà nước. Điều này gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các đơn vị do Nhà nước nắm giữ vốn khác. "Tăng vốn tối thiểu Nhà nước tại dự án PPP lên 70% là mâu thuẫn với quy định hiện hành về phân loại, quản lý doanh nghiệp Nhà nước", ông nói.
Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị tách riêng dự án PPP với phần giải phóng mặt bằng. Nhà nước sẽ chi phần vốn thực hiện giải phóng mặt bằng và chi phí này không tính vào vốn góp chung tại dự án PPP, để đảm bảo vốn Nhà nước tại đây là 50%.
"Như vậy, các dự án cần giải phóng mặt bằng ít hay nhiều đều bình đẳng nhau. Quy tắc này cũng áp dụng tương tự với dự án có công trình kỹ thuật phức tạp", ông nói. Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế xử lý rủi ro, quy định trách nhiệm cơ quan phê duyệt dự án để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận xét dự án PPP, BT (đầu tư mới theo hình thức xây dựng - chuyển giao) đang là điểm nghẽn ở nhiều địa phương. Việt Nam dành nguồn lực lớn cho hạ tầng, nhưng khi Luật PPP có hiệu lực, ông Thường nói "gần như tất cả ngưng trệ".
Ông Thường dẫn chứng lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhu cầu vốn lớn nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30%, còn lại huy động từ các nguồn lực khác. "Lúc này cần xem xét mở rộng các lĩnh vực đầu tư dùng vốn PPP để huy động nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nếu không sẽ khó đáp ứng hạ tầng, cạnh tranh quốc gia", ông nói.
Tuy vậy, ông cho rằng khi sửa cần tổng thể, mở toàn diện. Chẳng hạn, hiện có nhiều phương thức đầu tư ngoài PPP, như EPC+F - tức hợp đồng chìa khóa trao tay, hỗ trợ tài chính. Địa phương làm việc trực tiếp với nhà thầu cung cấp hợp đồng EPC và vốn cho dự án. Cách này được Trung Quốc áp dụng phổ biến.
Ông cho hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam muốn đầu tư theo phương thức EPC+F nhưng Việt Nam chưa có quy định áp dụng thế nào.
"Cần mở toàn diện để phát triển kết cấu hạ tầng và các cấp địa phương không phải sợ hãi, rụt rè khi triển khai dự án loại này", ông Thường góp ý.
Các dự án đầu tư mới theo hình thức BT dừng thực hiện từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021). Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện hợp đồng BT thanh toán và bổ sung loại không yêu cầu thanh toán. Loại hợp đồng này áp dụng với các công trình hạ tầng, dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất làm và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, so với đầu tư công, đầu tư theo hợp đồng BT có lợi thế, như tận dụng vốn từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng công trình. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Nghệ An được Quốc hội cho áp dụng loại hợp đồng BT, trong khi nhiều địa phương khác kiến nghị được tiếp tục thực hiện loại hợp đồng này. Do đó, ông cho rằng việc mở rộng áp dụng là cần thiết để khai thác tối đa lợi thế của loại hợp đồng này.
Tuy vậy, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục, cơ chế của loại hợp đồng BT, theo nguyên tắc đổi mới cách thực hiện, thanh toán cho nhà đầu tư. Việc này nhằm khắc phục tối đa các bất cập, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ở điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ xây dựng quy trình cách thức thực hiện, thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư công trình BT phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; đấu thầu chọn nhà đầu tư. Cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (bằng đất, tiền) phải được xác định cụ thể, minh bạch từ giai đoạn lập dự án.
Cùng với đó, cơ chế quản lý hợp đồng phải chặt chẽ, tránh phát sinh lãi trả chậm, tăng tổng mức đầu tư...
Anh Minh